Video PPCP 1994

ĐỨC THẦY TRÌNH BẦY PHƯƠNG PHÁP CÔNG PHU

THEO PHÁP LÝ VÔ VI KHOA HỌC HUYỀN BÍ PHẬT PHÁP
(Thâu âm tại Boston MA USA, năm 1994)

Ghi Chú: Những chữ trong ngoặc [..] là chú thích thêm của Thư Viện Vô Vi, để minh họa thêm bằng chữ viết, thay cho hình ảnh video trong tài liệu gốc của Đức Thầy hướng dẫn. Xin tham khảo thêm trang tài liệu căn bản nếu cần.

PHỎNG VẤN ÐỨC THẦY VỀ PHƯƠNG PHÁP CÔNG PHU

[Phần 1]

Bạn đạo: Dạ thưa quý vị, tôi tên là Nguyễn Thị Xuân An, hiện tôi ngụ tại Fountain Valley, tiểu bang California tại Hoa Kỳ. Hôm nay tôi rất được hân hạnh và trân trọng để có một số câu hỏi với ông Lương Sĩ Hằng về Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp.

Dạ, dạ, kính thưa Ông, dạ, xin hân hạnh kính chào Ông!

Đức Thầy: Chào chị!

Bạn đạo: Dạ thưa Ông, chúng tôi được biết Ông đã có thực hành phương pháp Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp được một số năm. Dạ thưa Ông, phương pháp đó có gì hay mà Ông muốn để lại cho đời thế này?

Đức Thầy: Tại sao tôi thực hành cái Pháp Lý Vô Vi? Là vì đời quá động loạn. Trong cuộc sống tôi từ nhỏ tới lớn, tôi thấy toàn là động loạn. Từ nghèo khổ cho đến có tiền cũng đều động loạn, thì tôi mới tìm qua cái phương pháp tu. Cho nên ngày hôm nay, tôi với tuổi 70 nhưng vẫn cảm thấy thanh tịnh. Tôi thấy đây là món quà quý của nhân loại; tôi muốn đem lại những cái dấu tích mà tôi đã hành, đã được, để cho mọi người kế tiếp được giải tỏa những sự phiền muộn sái quấy trong nội tâm nếu họ chịu hành, sẽ cứu rỗi được nhiều người kế tiếp. [phần 1-1:26]

Bạn đạo: Thưa Ông, như vậy, Ông thấy một người tu đúng đắn là như thế nào?

Đức Thầy: Một người tu đúng đắn phải hành đứng đắn, phải thấy rõ phần hồn của mình từ đâu đến. Bởi vì hồn chúng ta đến một cách nhẹ nhàng trong cái thể xác, tạo thành nghiệp lực; khổ, khổ mãi; khổ cho đến… Nghèo cũng khổ, mà giàu cũng khổ; làm chức cao cũng khổ, mà làm chức thấp cũng đều khổ như nhau, cho nên thấy họ mất sự thanh tịnh của phần hồn từ lúc ban đầu tới bây giờ.

Tu thì họ sẽ khôi phục sự thanh tịnh đó, họ mới thấy rõ cái gốc gác vô sanh bất diệt của con người.

Bạn đạo: Dạ, xin cảm ơn Ông! Thưa Ông, như vậy, Pháp Lý Vô Vi có những nét đặc thù gì mà chúng tôi cần phải nương theo phép đó để mà “Đạt tới thanh tịnh” như Ông nói?

Đức Thầy: Thì phải dấn thân! Khi mà chúng ta giáng lâm xuống thế gian là chúng ta dấn thân trong cái khổ rồi. Chính chúng ta làm chủ cái xác mà không biết làm chủ, cho nên bị cái xác lôi cuốn, ham muốn đủ chuyện, phá luật trời, tạo ô nhiễm trong cơ tạng, khối óc thần kinh không có được yên; phần hồn bị đắm chìm không lối thoát.

Còn người tu trở lại thanh tịnh, thì tự nhiên và hồn nhiên sẽ khôi phục như lúc sơ sanh, dễ dãi.

Bạn đạo: Vâng, thưa ông, vậy, xin Ông cho biết rõ: “Vô Vi” có nghĩa là sao?

Đức Thầy: “Vô Vi” nó là: “Vô” là không, “Vi” là nhỏ nhứt cũng không. Cho nên chúng ta am hiểu được nguyên lý của Vô Vi thì ở đời không có gì tranh chấp mà tạo khổ cho chính mình. Vô Vi là đi chỗ thanh nhẹ. Thì chúng ta muốn biết rõ Vô Vi: Nhìn mặt trời, nó “không” mà nó sáng; rồi cái “không” - từ bi của mọi người còn sáng hơn nữa! Xác nhận rõ con người chế bóng đèn, chớ bóng đèn không chế con người được!

Bạn đạo: Vâng, dạ thưa Ông, như vậy Pháp Lý Vô Vi có tất cả là mấy pháp, thưa Ông? [phần 1-3:36]

Đức Thầy: Soi Hồn, Pháp Luân, Thiền Định, là chánh. Còn những người mới tập, vì đời quá động loạn, cho nên dùng cái pháp Soi Hồn và Chiếu Minh để giải bớt độc tố trong người qua hơi thở. Ổn định rồi mới hành được Pháp Lý Vô Vi, là Soi Hồn, Pháp Luân, Thiền Định; tiếp tục phát triển tâm thức.

Bạn đạo: Dạ. Thưa Ông, phương pháp Soi Hồn có cái tên rất là lạ, chúng tôi cũng xin để Ông minh giải cho chữ “Soi Hồn”. “Soi” có phải chăng là tìm, hoặc là gom lại? Và “Hồn” có phải chăng là cái sự sáng suốt của ta? Vậy Soi Hồn phải chăng là một phương pháp để mà tìm, gom lại cái sự sáng suốt của chính mình? Thưa Ông, phải vậy không?

Đức thầy: Soi Hồn là chặn những cái thần kinh; bởi vì những thần kinh là do điển hoạt động; mà luồng điển mà nó sái một chút là nó là đà; cho nên người đời thị phi nói chuyện người khác mà không lo cho chính mình.

Soi Hồn nó chấn chỉnh khối óc ổn định, đi một đường lối, thì lúc đó nó mới phát triển đi lên bên trên. Nó càng phát triển, chấn động nó càng nhanh, nó càng thanh tịnh và nhẹ nhàng hơn. [phần 1- 4:46]

Bạn đạo: Thưa Ông, làm sao mà lại… pháp đó lại có thể chấn chỉnh được khối óc của con người? Làm như thế nào?

Đức Thầy: Do công mình làm! Bởi vì cái cách hướng. Con người mà ở đời, cả ngày cứ thị phi chuyện người ta thì bộ óc nó bị lôi cuốn, bị trói buộc bởi ngoại cảnh, rồi đâm ra sợ sệt, ham sống sợ chết.

Còn người thanh nhẹ, giải bỏ nghiệp tâm, không nghĩ chuyện người ta mà chỉ sửa chuyện mình, chỉ có tiến, không có lùi. [phần 1 - 5:12]

Bạn đạo: Vâng, rất là hay! Thưa Ông, vậy còn pháp Chiếu Mình thì Ông có nói là: “Pháp Chiếu Minh có thể khai thông uất khí của con người”. Xin Ông minh giải cho, là làm thế nào để pháp có thể khai được cái uất khí của con người?

Đức Thầy: Con người, uất khí là do đâu? Khi mà mình thấy chuyện đời, thấy người ta giàu mình cũng giận, mà thấy người ta nghèo mình cũng tức; thấy người ta học giỏi hơn mình, mình cũng giận; đó là uất khí ở bên trong, nó làm cho bộ gan hoặc sự vận hành máu huyết không có điều hòa.

Thì bây giờ ta làm về cái pháp Chiếu Minh này là hít thở, lấy nguyên khí của trời đất, lấy Diệu Pháp để hóa giải độc tố trong cơ tạng, thì bộ gan nó được ổn định và làm việc có trật tự; sự vận hành giữa tim, gan, thận được điều hòa; con người khỏe mạnh và có giấc ngủ tốt. [phần 1 - 05:58]

Bạn đạo: Thưa Ông, Ông có nói là: “12 giờ khuya thì chúng ta dậy để tập pháp môn này. 12 giờ khuya là giờ thông khai của trời, đất; và chúng ta mượn đó để tự đem những độc tố trong mình ra qua hơi thở để tự trị bệnh cho chính mình”. Như vậy, xin Ông…

Đức Thầy: Giờ Tý là giờ thông khai.

Bạn đạo: Dạ.

Đức Thầy: 11 giờ trở đi là giờ thông khai, là tất cả vạn vật đều êm đềm và tuân theo luật tiến hóa; thì giờ đó chúng ta lấy cái nguyên khí của trời đất hóa giải những sự trược ô bị ứ kẹt trong ngày, thì nó giải ra thì nó mới nhẹ, nó thông khai; mượn cái trớn đó mới tiến hóa được.

Bạn đạo: Thưa Ông, còn về Pháp Luân Thường Chuyển, Ông có nói là “Pháp này có thể giúp âm, dương chuyển chạy lưu thông trong người”. Thưa Ông, xin Ông minh giải cho. [phần 1-6:50]

Đức Thầy: Điều hòa; khi mà chúng ta ban ngày làm việc và suy tư, thế nào nó cũng động loạn; mà tối chúng ta làm Pháp Luân… Tại sao phải hít đầy bụng, đầy rún, đầy ngực, tung lên bộ đầu? Là khi mà hít vô như vậy là dưỡng khí nó vô đầy đủ, tung phá, và ráng, để nó… khi mà động, cực động, nó trở về tịnh. Khi mình hít cái hơi vô nhiều, nó trở về tịnh. Thì sau hít 6 hơi đó, tâm hồn thấy ổn định; ngồi nhắm mắt thấy sáng, thăng hoa nhẹ nhàng.

Bạn đạo: Sau đó Ông có nói là: “Pháp Luân Thường Chuyển có thể mở tâm con người.” Thưa Ông, vậy làm sao từ “Giúp sự luân lưu trong huyết quản mà đến mức “Mở tâm? Xin Ông cho biết sự liên hệ giữa hai cái là như thế nào?

Đức Thầy: Cái tâm là cái gì? Cái hiểu biết! Khi mình ổn định rồi, mình cảm thấy nó sung sướng nhẹ nhàng, thấy cái óc nó rộng, càng ngày càng rộng, và không có nuôi dưỡng cái chuyện eo hẹp nghĩ xấu người khác nữa. Con người nó thanh nhẹ nhờ cái đó. [phần 1-7:53]

Bạn đạo: Thưa Ông, có một số quý vị có hành pháp lý Vô Vi và có xin gửi tôi một số thắc mắc về Pháp Luân Thường Chuyển. Họ có hỏi là: có cần phải giữ đúng từ 6 cho tới 12 hơi, dù họ đã cảm thấy rất nhẹ, hay không? Xin Ông cho biết!

Đức Thầy: Cái luật; bởi vì còn ăn là còn phải làm; làm để nó giải độc tố trong bộ ruột và cơ tạng được nhẹ nhàng. Làm đúng 6 hơi đứng đắn á, là cũng đầy đủ rồi. Nhiều người làm 12 hơi, 30 hơi, đó là yếu, chớ không phải là mạnh; người mạnh người ta chỉ làm 6 hơi là toát mồ hôi rồi; xứ nóng, xứ nóng nó là toát mồ hôi; mà xứ lạnh, nó là ấm.

Bạn đạo: Xin cảm ơn Ông! [hết video 1-8:38]

Tiếp theo là video 2

Bạn đạo: Thưa Ông, Ông có giải thích rằng: “Khi hành Pháp Luân Thường Chuyển, chúng ta phải luôn luôn hạ lệnh: Đầy rún, đầy ngực, tung lên bộ đầu”. Thưa Ông, cốt để làm gì?

Đức Thầy: Cái ý, cái ý chúng ta nghĩ bậy người khác, là luồng điển nó chạy bậy và nó nhắc ta làm chuyện bậy:nghĩ về dâm dục, nó hướng về dâm dục; nghĩ về sự cứu giúp, nó hướng về sự cứu giúp; mà nghĩ về thăng hoa tiến về Trung Đạo, thì nó sẽ tiến về con đường đó thay vì động loạn. Chúng ta phải hạ lệnh; còn nếu không á, thì ở trong này nó sẽ bày biểu.

Trong này không phải một mình mình: cái xác này là Tiểu Thiên Địa gồm có: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ hợp thành; trong đó nó nhiều chuyện lắm; có Lục Căn, Lục Trần; mà nếu chúng ta không hạ lệnh, không nghiêm nghị hạ lệnh, tụi nó là phản loạn; một chặp nó bày một chuyện! Thử tu một thời gian thì biết! Ngồi hít thở như vậy, rồi một thời gian nó nói: “Cần gì phải hít thở nữa, cái đó để tự nhiên sướng hơn!” Thì trong đó nó lười biếng, nó đề nghị như vậy; mà nếu Chủ Nhân Ông bằng lòng, sự sáng suốt mình bằng lòng như vậy, thì mình sẽ bị sa đọa theo tụi nó.

Luôn luôn phải nắm chủ quyền phát triển về Trung Đạo nó mới sáng suốt trong óc. [phần 2 - 1:13]

Bạn đao: Thưa Ông, vậy mình lấy cái thước nào để đo rằng là mình luôn luôn đang hành đúng?

Đức Thầy: Thì mỗi đêm mình hành đúng, thì Soi Hồn cũng dễ dãi, mà Pháp Luân Thường Chuyển cũng dễ dãi; và ngủ có một giấc êm ả. Làm, cho nên mình làm về niệm Bát Chánh là kiểm soát: nó chạy đều tức là đúng; nó chạy không đều là mình đã làm sai rồi. Thường thường nó chạy đều mà bữa nay mình làm, chạy không đều là mình làm sai rồi; mình phải ăn năn sám hối và thực hành đúng, thì tự nhiên nó khôi phục.

Bạn đạo: Dạ xin cảm ơn Ông! Thưa Ông, trong một câu chót: Trong Pháp Luân Thường Chuyển thì tại sao ta lại nhắc đến cái rún, “đầy rún”, là tại sao?

Đức Thầy: “Đầy rún, đầy ngực, tung lên bộ đầu”. Cái rún nó liên hệ với cái ruột; mà đầy rún á, nó cũng giải được cái thận tốt nữa; thận thủy nó chuyển chạy lên trên óc; bởi vì chúng ta lo cái ruột là lo cho cái óc. Làm Pháp Luân Thường Chuyển là đem dưỡng khí vô trong cái, những cái lụa mỏng trong cơ tạng được sống động lại, được thanh nhẹ trở lộn lại, được nuôi dưỡng. Mình lấy cái nguyên khí của trời đất nuôi dưỡng cơ tạng thì con người nó bền bỉ hơn và ít bệnh hoạn hơn. [phần 2 - 2:30]

Bạn đạo: Dạ thưa Ông, mà phải đi từ cái chiều hướng là từ rún, rồi tung lên bộ ngực, rồi mới tung lên bộ đầu?

Đức Thầy: Cái lệnh mình như vậy: “Đầy rún, đầy ngực, tung lên bộ đầu”. Còn đi xuống dưới nó động cái Hỏa Tam Muội, nó làm con mắt đỏ, rồi người ta mới là, nói là… cái gì… à, “Tu rồi nó động thần kinh”; rồi này kia, kia nọ… là hít sai thôi; hít đúng nó không có sai. Còn động xuống dưới, nó làm đỏ con mắt; tẩu hỏa nhập ma là chỗ đó. Nhiều người tu, tưởng là “Tôi hít cho mạnh để tôi đánh lộn”. Cái đó, đi học võ còn sướng hơn tu thiền! Tu thiền phải đem về cái nhẹ; lấy cái diệu pháp đi lên, mới là kêu bằng tu thiền! Tu thiền mà làm cho thiệt mạnh để đi đánh võ, cái đó không được, không có đúng, không có áp dụng theo tu thiền được! Nhiều người làm sai lắm!

Cho nên, tôi làm những cuốn băng chính tôi thực tập để cho mọi người thấy, và phải làm đúng, giữ đúng. Cứ trì chí nay chút, mai chút, nó sẽ thành! Đừng có vội vã mà bỏ pháp; chạy đi pháp khác rồi nó cũng vậy đó thôi, nó cũng cô đọng như vậy và không tiến, làm tạo khổ cho chính mình mà thôi! [phần 2 - 3:43]

Bạn đạo: Thưa Ông, sau phần Pháp Luân Thường Chuyển thì đến phần Định Thần. Xin Ông cho biết rõ ràng là “Định” là như thế nào? vì có nhiều bạn đạo thì thấy ngồi định, gục đầu, hoặc là gập mình xuống. Thưa Ông, như vậy có được, hay không?

Đức Thầy: Pháp Luân Thường Chuyển đúng là chỉ có định, chớ không có buồn ngủ, không có lôi thôi! Pháp Luân Thường Chuyển là nó đúng; đúng là cái chấn động của khối óc của mình nó hòa hợp với chấn động quang, vũ trụ quang, thì nó thanh nhẹ; mà cái thanh nhẹ đó, mình cảm thấy sung sướng: khi mình nhắm mắt càng lâu càng sung sướng; mà lâu, mình tưởng đâu ngắn lắm, thích ngồi nhiều hơn thay vì vội đứng dậy. Là lúc đó là mình được đi lên một lớp nhẹ.

Bạn đạo: Vâng. Ông có cho biết là “Những kích động và khó khăn, hoặc là đau khổ của cuộc đời này, là đều nhằm vào là giúp đưa ta về thanh tịnh”. Xin Ông giúp minh giải cho. [phần 2 - 4:43].

Đức Thầy: Những người mà bị kích động, bị hà hiếp, này kia, kia nọ, rốt cuộc bó tay làm cái gì hơn? Thì ta thanh tịnh mới giải quyết được việc này. Ta chịu thua đi! Ta nhịn nhục ta mới giải quyết được. Còn nhiều người mà đánh cờ bạc mà thua rồi, mới: “Tôi phải đem của tôi ăn thua với casino”; là “Tôi chết”! “Tôi nhịn nhục, tôi bằng lòng thua nó, thì tôi sẽ có cơ hội khôi phục lại”.

Còn tu rồi cũng phải vậy, phải nhịn nhục tối đa mới giải được nghiệp tâm; còn nếu mà thiếu nhịn nhục, không có bao giờ tu được. Đi lên nó khó lắm! Mình đi lên cõi nào mình cũng dơ hơn họ; mình không có sạch hơn họ được! Thì bây giờ mình phải nhịn nhục, mình mới bước qua cái chỗ đó. Ở đời, đi làm cũng vậy: muốn lên cấp cao cũng phải nhịn nhục, tự nhiên người ta đề nghị cái chức tốt cho mình ngồi. [phần 2 - 5:28]

Bạn đạo: Thưa Ông, theo sự hiểu biết của Ông, như vậy con người phải mạnh lắm mới có thể nhịn nhục được, thành ra có rất nhiều quý vị cũng nói rằng: “Nếu tôi cứ nhịn nhục hoài thì người ta không còn coi tôi là gì nữa!” Thưa, Ông nghĩ sao?

Đức Thầy: Cũng như mặt trời, họ còn coi mặt trời không ra gì mà! Mình đâu có ăn chung gì, đâu có hơn được mặt trời được! Họ lấy mặt trời, họ che mặt trời, nhưng họ cần mặt trời để sống! Nhưng mặt trời vẫn ban ơn!

Vậy chớ chúng ta, nhịn nhục là để làm gì? Để sửa tánh đối phương; vì họ sẽ gặp động nhiều hơn. Khi mà họ gặp tịnh rồi, họ gặp người động là họ thấy họ ngán rồi, họ thức tâm! Cái hành động mình cứu họ, không phải hành động mình giết họ. Cho nên, cái nhịn nhục tối đa là tốt cho gia cang và đem hòa khí cho gia cang. Như một hiền mẫu, một hiền thê, là nhịn nhục tối đa đi; chồng sẽ thức tâm, thức tâm; hung hăng gì cũng phải sợ nhịn nhục; hung hăng cách mấy cũng phải sợ từ bi.

Nhịn nhục tạo tâm thức từ bi tận độ chúng sanh! Không có bỡ ngỡ đâu; không sợ, không sợ phản động! Nhịn nhục tối đa là có thể giúp được người tiến hóa; là chúng ta làm điều tốt, không phải làm điều xấu. [phần 2-6:50]

Bạn đạo: Những lời của Ông rất là quý giá! Thưa Ông, Ông cho biết mục tiêu của Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp là: “Giúp hành giả tự trị bịnh, tự tái lập nội khoa tâm lý của mình.” Xin Ông minh giải, “Nội khoa tâm lý” của mỗi người là như sao?

Đức Thầy: Nội khoa tâm lý căn bản của mỗi người là ổn định; nó từ gốc Đại Thanh Tịnh mà ra; nó là ổn định. Hồi con nít sơ sanh là mình rất ổn định: cha mẹ hết cơm ăn, mình cũng không có buồn. Mà bây giờ, nghe chuyện người ta là mình buồn! Thế là mình mất nội khoa tâm lý; bất ổn định! Mình phải giữ cái trạng thái thanh nhẹ đó!

Mà muốn tu về Pháp Lý Vô Vi thì nội khoa tâm lý sẽ khôi phục. Sau cái Pháp Luân Thường Chuyển nhiều thì sẽ cảm thức rõ ràng; người nào thực hành đúng đắn sẽ thấy rõ ràng.

Chớ Pháp Lý Vô Vi không phải là một cơ cấu lý thuyết. Chỉ có thực hành, gặt hái được kết quả, phát minh, và tận độ người khác; chớ không có dành riêng cho chính mình. [phần 2-7:56]

Bạn đạo: Thưa Ông, vậy làm sao chúng ta có thể biết được một pháp môn là một chánh pháp?

Đức Thầy: Pháp môn nào mà khứ trược lưu thanh: chúng ta mang cái thể xác trược ô, ăn uống cũng trược ô, độc tố dãy đầy; mà giải ra được, là cái pháp đó là chánh. Bất cứ pháp nào mà giải được những cái độc tố trong người, trược ô trong người; cái đó là chánh pháp.

Mà những pháp nào mà gia tăng trược ô, đó là tà pháp; bị điều khiển bởi ngoại cảnh. [hết video 2-8:28]

[Tiếp theo là video 3]

Bạn đạo: Thưa, tại sao Ông lại nói là: “Điều khiển bởi ngoại cảnh sẽ là tà pháp”?

Đức Thầy: Thì mình tưởng Chúa mà không biết Chúa ở đâu; tưởng Phật, không biết Phật ở đâu; cứ mơ tưởng, mơ tưởng; thì làm suy yếu thần kinh và không có chịu tiến hóa!

Nếu chúng ta thấy Chúa là vô cùng tận, đại bi cứu độ chúng sanh, thì góc nào cũng có Ngài; mà dũng chí của Ngài là rất tốt đẹp để cho con người tin Đạo và hiểu Đạo; và phải học nhịn nhục như Ngài thì mọi việc sẽ tốt đẹp trên mặt đất này. [phần 3 - 0:33]

Bạn đạo: Thưa Ông, Ông có nhắc đến ánh sáng. Ông có nói rằng: “Cuối cùng của con người chỉ có ánh sáng mà thôi!” Xin Ông minh giải.

Đức thầy: Đúng như vậy! Con người là ánh sáng; nó là “Nhất điểm linh quang” chớ không phải tầm thường! Cho nên là con người có cái óc không có phục bất cứ hoàn cảnh nào. Dù cho, “Người ta giúp tôi, tôi cảm ơn; nhưng mà tâm tôi phải tự làm được có ăn, tôi mới vui!” Đó là “Tôi là ánh sáng của mặt đất, sáng tạo của trời đất! Không phải là chuyện tầm thường!

Cho nên, nhiều người đã tu, mà sai! lại Trời, Phật; khinh thị khả năng của chính mình, làm rối loạn nội khoa tâm lý của mình; thì không bao giờ yên ổn, dù tu bao nhiêu năm cũng vậy đó thôi; giờ phút lâm chung thì sẽ thấy rõ ràng! [phần 3-1:19]

Bạn đạo: Chúng ta không có muốn phải đợi đến giờ phút lâm chung mới nhớ! Thưa Ông, Ông có nói là “Được làm người là vô cùng quý giá! Vậy làm người thì phải tầm Đạo, chớ Đạo không có tầm người!” Xin Ông lý giải cho.

Đức Thầy: Đúng như vậy! Người qua cái cơn khổ, như tôi đã thường nói: “Khổ, khổ, khổ mới là bước vào biên giới của Phật pháp!” Khổ rồi mới buông bỏ: ăn cướp của người ta, mà không giàu; ăn cướp hoài, ăn cướp mệt thôi,cũng không được; phải buông bỏ cái nghề đó mà đi tìm con đường đạo để lo tu cho phần hồn được thanh nhẹ. [phần 3-1:52]

Bạn đạo: Dạ, thưa Ông, cũng có rất nhiều người vẫn còn, vẫn rất lo sợ là không đi làm, không có tiền, rồi lo sợ rất là nhiều điều. Vậy xin Ông giúp cho minh giải điều này.

Đức thầy: Tại vì những người lo sợ đó là vì họ chưa thanh tịnh, chưa thấy rõ nhiệm vụ của họ ở mặt đất này. Một khối óc là một ánh sáng trên mặt đất này, chỉ có nhịn nhục mới giải quyết tất cả mọi việc. Nếu con người không nhịn nhục, không có bao giờ tiến bộ được.

Cho nên, ở xã hội có những người ăn cướp; ăn cướp đi ở tù; ở tù rồi, bỏ dao. Những người đó không thèm ăn cướp nữa! Mấy người đó là mấy người dứt khoát. Người ta nói, ở đời người ta nói: “Bỏ dao, thành Phật” là vậy đó;không ăn cướp nữa!

Còn con ngươì sợ đủ thứ, là tự uy hiếp lấy mình!

Mình là một khả năng Vũ Trụ, tại sao mình không chịu chấp nhận nhịn nhục để chung sống hòa bình với mọi người? Thì làm gì có đói? Mình bằng lòng giúp mọi người, mọi người không có để mình đói!

Cho nên, người đau khổ là tự trói buộc mình, rồi than thở với cái lý do đau khổ, thôi; chớ kỳ thật không có gì đau khổ! Học để tiến! Mọi người có hiện diện ở trên mặt đất này là chấp nhận những sự kích động và phản động để tiến tới thanh tịnh rõ rệt.

Cho nên, “Đời đạo song tu” thì mới có kết quả tốt. Đời nó không có bao giờ mà giúp chúng ta đâu; nó chỉ kích bác, phá khuấy; mà ta thanh tịnh thì ta cứu độ đời được, “Đời đạo song tu”. Mà không có đời thì chúng ta không biết giá trị của thanh tịnh: không có khát, không biết giá trị của giọt nước, là vậy; mà không có tối tăm, không có thấy giá trị của ánh sáng! Cho nên, người tu mong được ánh sáng; mà mình không có nhịn nhục, làm sao mình có ánh sáng? [phần 3- 3:47]

Nhịn nhục, thanh nhẹ, cởi mở. Tất cả vạn sự trên đời là Không: không có sự thật; mà nhiều người nói, cho đó là sự thật; nhưng mà rốt cuộc không có sự thật!

Đến đây với bàn tay không, rồi về với bàn tay không!

Nhiều người tỷ phú, thiếu gì tiền, đâu có bao giờ chết được? Nhưng mà họ phải chết; trong một phút khắc nào đó rồi họ phải ra đi. Cái gì ra đi?

Phần hồn! Phần hồn sẽ hưởng theo sự sáng suốt của chính họ, hay là sự tăm tối của chính họ. Họ chết, họ khổ, họ cũng hưởng trong khổ để tiến hóa.

Cho nên, luật của Chúa không có giết ai, cứu tất cả mọi người. Đại Bi mà; đâu có giết ai! Khổ thì Ngài, thích khổ,Ngài cho khổ; mà thích sướng, Ngài cho sướng; cuối cùng cũng phải hướng về thanh tịnh mà tiến hóa, mà thôi.[phần 3 - 4:41]

Bạn đạo: Dạ, kính thưa Ông, như vậy thì một khi một người đã thực sự tu và vun bồi đức nhịn nhục của họ, thưa Ông, làm sao họ có thể kiếm được tiền để sống?

Đức Thầy: Nếu mà họ thật sự nhịn nhục, vun bồi đức nhịn nhục đó, không nghĩ vấn đề kiếm tiền, thì họ mới tin có Trời, Phật. Nhiều người ở đời chán rồi, đi vô chùa tu; rốt cuộc họ cũng có đủ hai buổi sống. Ông Trời không có phụ người hảo tâm và chịu nhịn nhục.

Cho nên, ở xã hội kỹ thuật này chúng ta thấy rõ: mọi người chịu học, chịu nhịn nhục đi học, đi tới trường nhịn nhục, học. Và người tu cũng là đi học. Học được rồi nhịn nhục, thì đức tính nó tốt, đức hạnh tốt, thì ai cũng tin cậy. Người ta tìm người nhịn nhục, kiên nhẫn, tin cậy; chớ không phải tìm người hỗn láo làm việc. Cho nên đừng có lo! Mình xây dựng được đức nhịn nhục là tự nhiên mình là người có tiền. [phần 3-5:43]

Bạn đạo: Vâng, thưa Ông, trong xã hội và kinh tế hiện tại thì họ đòi hỏi nhiều sự tranh chấp ganh đua trong công việc làm. Vậy, theo Ông nghĩ, một người tu làm sao có thể sống được trong cái hoàn cảnh đó?

Đức Thầy: Tranh chấp, ganh đua, mình không có lợi; chuyện đó mình không có làm! Mình nhịn nhục làm nhiều việc hơn người mà tranh chấp ganh đua, thì vị trí mình tương lai sẽ tốt hơn. Bất cứ trong một hãng nào, người nào mà chịu nhịn nhục thì bộ đầu não luôn luôn để ý.

Bạn đạo: Dạ! Dạ vâng, dạ thưa…

Đức Thầy: Còn Trời, Phật là để ý người tu, là nhịn nhục.

Bạn đạo: Thưa Ông, như vậy là, nếu chúng ta cố gắng hành thiền theo Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp, thì mong rằng chúng ta sẽ từ từ giải được những cái nỗi sợ kia, và trở về cái thanh tịnh, và như vậy là…

Đức Thầy: Cố gắng tham Thiền đứng đắn như vậy thì ở đời không có lo! Ăn không có bao nhiêu, không có hoang phí, không có đòi hỏi vật chất nhiều, thì tâm nó an định rồi. Rồi càng thiền càng sáng suốt, không có thiếu cái gì mà lo! Trời cho đầy đủ!

Bạn đạo: Dạ xin đa tạ Ông rất nhiều!

Đức Thầy: Dạ, cảm ơn Chị!

[hết video 3-7:10]


----
vovilibrary.net >>refresh...