Video 19900610M1
ĐÀI BBC RADIO PHỎNG VẤN ĐỨC THẦY
10/06/1990
Phóng viên: Sau buổi thuyết giảng thì Ban tổ chức có tổ chức một bữa ăn cho tất cả đạo hữu và có sự tham dự của Thầy nữa. Chúng tôi theo chân Thầy sang tận nhà hàng, và bây giờ chúng tôi hân hạnh để được Thầy cho một cuộc phỏng vấn ngắn. Và sau đây là cuộc phỏng vấn của chúng tôi với Thầy Lương Sĩ Hằng.
Dạ thưa Thầy, xin Thầy cho biết là cho đến bây giờ Thầy đã thực hành Vô Vi được bao nhiêu lâu rồi ạ?
Đức Thầy: Vào khoảng 1957 tới bây giờ, 33 năm.
Phóng viên: Thưa Thầy, những cơ duyên nào mà đã để cho Thầy lựa phương pháp Vô Vi này để thực hành ạ?
Đức Thầy: Là tôi cũng có ông bạn ổng tu cái phương pháp này, và tôi thấy ổng càng ngày càng trẻ, càng đẹp, thì tôi cũng không biết gì. Trong lúc đó, con người của tôi cũng thấy lạ, tôi thấy rằng cuộc sống cái gì tôi cũng có hưởng hết, mà tôi thấy không có giá trị, và chết không biết đi về đâu? Tôi cũng muốn thấy cái chết của mình ra thế nào? Tôi gặp ông bạn đó, tôi hỏi rằng: “Mỗi tuần mỗi trẻ, thì làm thế nào?” Thì nó nói: “Tôi tu!”
Mà hồi đó tôi ghét người ta tu lắm. Tôi nói: “Mày tu cái thằng Thầy nào?” Nó nói: “Anh không được hỗn như vậy!”
Bạn từ nhỏ tới lớn mà! “Anh không được hỗn như vậy!” Thì tôi nói: “Mày nói tên nó ra thì tao không có hỗn"; vì tôi hồi đó tôi không có thích người tu. Thì tôi có nói những cái lộn ngôn như vậy. Rồi nó nói: “Bây giờ Anh êm thì tôi mới nói!"
Tôi nói: “Tao chửi tới chừng nào Mày nói thì thôi!” Tôi muốn móc ra vậy thôi. Bạn thân mà!
Thì nó mới chỉ cho tôi: “Tôi sẽ đem Anh đi xuống gặp ổng.”
Thì lúc đó tôi gặp Ông Đỗ Thuần Hậu ở Đa-Kao; dẫn xuống gặp; thì Ổng nói về mây mưa, nói núi non đồ, tôi không hiểu gì hết; tôi nói: “Tại sao ông này ổng nói tiếng Việt Nam, mà nói 3 tiếng đồng hồ, mình không hiểu ổng nói cái gì?" Tôi tức, tôi nói: “Xin phép Cụ cho tôi trở lại thăm Cụ?”
Ổng bằng lòng, thì tôi mới trở lại, tôi được hân hạnh trở lại; và nghe Ổng nói thét tôi cũng không hiểu gì hết; bởi vì hồi đó mình cái tâm trần trược, làm ăn kiếm tiền, không có biết vấn đề tu; ổng nói, mình không hiểu! Rồi lần thứ ba, ổng mới nói hồi trước sao, sao, sao… nói công chuyện của tôi; rồi nói công chuyện của mấy người đi theo nữa! Thì mình thấy, cái chuyện lạ! Tôi mới xin phép ổng chỉ tôi tu. Có một chút chuyện, nói dông dài, nói được không?
Phóng viên: Dạ được, xin mời Thầy nói! Thưa Thầy, như vậy thì lần thứ ba lại thì Ổng nói cho Thầy biết tất cả cái dĩ vãng của Thầy, ý nghĩ của Thầy sao?
Đức Thầy: Đó, đó! Ổng nói lúc bé làm sao, sao sao, Ổng nói chuyện cho mình nghe; đó. Thì lúc đó tôi nghe tôi thấm thía, nhưng mà tôi không bao giờ mà tôi tin! Nếu tôi đặt vấn đề tin, tôi sợ người ta lừa gạt! Tôi ngồi nghe không à, tôi không cho ông đó là hay! Không, không bao giờ! Thì tôi đem người này thử, cả trăm trận thử… thì tôi mới xin ổng tôi tu.
Phóng viên: Dạ. Thưa Thầy, vậy hai lần đầu tiên, Ổng thử Thầy, hay sao?
Đức Thầy: Không, Ổng cho mình biết, Ổng cho mình biết cái chuyện cao siêu mà hồi nào giờ cái óc tôi không có chứa về Tiên, Phật đồ gì hết; Ổng nói chuyện Tiên, Phật, mình đâu có hiểu!
Đó, nó khác cái tần số của mình; mình là tần số làm ăn mà, mà nói về đạo đức, Tiên, Phật, mình đâu có hiểu; mà Ổng nói về chuyện Tiên, Phật không à! Mình không hiểu; rồi sau này tôi nghe thấm, tự nhiên thấm, là cái điển quang của Ổng, cái từ quang của Ổng đưa vào phần hồn tôi, tôi cảm thức rằng tôi nên nghe; thì tôi phải đi tới cái chuyện đó.
Phóng viên: Thưa Thầy, Thầy có thể giải nghĩa, tại sao gọi là Vô Vi không ạ? [03:08]
Đức Thầy: Vô Vi là từ cái không, mà nhỏ nhứt cũng biến thành không, là cái tâm không-không mới là con người mới được thanh nhẹ. Khi thanh nhẹ, phần hồn mới là rời khỏi thể xác được. Con người mà còn mang nghiệp tâm lo âu, không có bao giờ rời khỏi thể xác được!
Phóng viên: Thưa Thầy, có người định nghĩa “Vô Vi” là không làm ăn gì cả. Có phải không, Thầy?
Đức Thầy: Không phải! Từ cái nặng trược đi tới cái thanh nhẹ; chớ không phải không làm ăn. Làm khổ hơn, hơn người thường!
Phóng viên: Thưa Thầy, Thầy thực hành Vô Vi như thế nào. Và thực hành bao nhiêu lâu thì Thầy thấy có hiệu quả?
Đức Thầy: Tôi, hồi đó tôi thực hành là tôi cương quyết lắm. Bởi vì khi tôi thực hành rồi, nghe Ổng giảng rồi, tôi cứ nghĩ Đức Thích Ca trong óc tôi. Đức Thích Ca đi tu, là một nhà cách mạng lỗi lạc nhất ở trong thế giới này. Ngài tự tu, tự tiến, tự giải thoát. Thì cái óc tôi luôn luôn nghĩ như đó, thì tôi học cái phương pháp của Ngài, về, tôi ngày đêm tu luyện. Và tôi không có liên lạc với chuyện thương mãi; bạn bè tới, tôi cũng cúp luôn. Tôi chỉ lo tu thôi. Thì trong 7 tháng, tôi mới… Tự nhiên, hồi nhỏ tới lớn tôi không biết làm thơ, và tôi mới ra được mấy câu thơ. Như là:
Tô lục chuốt hồng tựa cảnh Tiên
Điểm mùi chua ngọt lòng xao xuyến
Sơn tinh thủy tú luân phiên hiện
Hà thủy đục trong khắp các miền
Thợ vẽ hồn thơ gieo ý nguyện
Khéo khôn khôn khéo tìm phương chuyển
Xây dựng ngày kia sẽ thấu truyền
Lúc đó cái tâm tôi, trưa tôi thiền tôi thấy, tôi nghe nó nổ, rồi tôi ra mấy câu thơ! Tôi sợ quá! “Làm sao từ nhỏ tới lớn mình chưa viết được một câu, mà viết như vậy?!” Thì nó sắp hàng từ ở trên: “Tô Điểm Sơn Hà Thợ Khéo Xây”. Tôi mới đem xuống trình cho Ổng; Ổng mới đưa tôi qua gặp Ông Cao Minh Thiền Sư là Ông Thầy của Ổng; thì ông Cao Minh Thiền Sư là ngón tay rất dài, ở Cầu Bông đó, ổng mới nói: “Nó hiểu hết rồi, Thầy Tư!” “Ráng theo Thầy Tư tu!” Ông Cụ chỉ nói có bao nhiêu đó. Thì tôi theo, tôi thực hiện; thì tôi thấy rằng con người tôi nó thay đổi hoàn toàn! [05:10]
Phóng viên: Dạ. Thưa Thầy, ngoài mấy câu thơ mà Thầy tự nhiên xuất khẩu ra như vậy đó, thì Thầy còn thấy trong người khác cái gì không?
Đức Thầy: Khác nhiều lắm! Tôi không có đòi ăn uống, và tôi ăn 3 giờ khuya, ăn một chén cơm với trái cà, là tôi đi bộ từ Chợ Lớn xuống Đa Kao tôi nghe Ổng nói chuyện; thì tôi thấy là mình, người tu, phải hành khổ, là mình phải đổi một cái gì để đạt tới một cái tốt hơn; mình phải đổi một cuộc đời mới hơn! Thì từ đó mà tôi đi xuống Đa Kao không thấy mệt.
Phóng Viên: Kính thưa Thầy, ngoài ra còn về vấn đề về thể chất, về tinh thần, Thầy thấy có thay đổi gì không ạ?
Đức Thầy: Thay đổi nhiều lắm! Xán lạn lên, viết thơ cho bạn bè câu văn khác hết, thay đổi hết! Hồi nào giờ mình cũng học văn chương, nhưng mà mình viết câu thơ, lá thơ không ra gì; bây giờ lá thơ nói về triết lý, mà cởi mở; lúc mình đọc mình cũng thấy tâm tư nó cởi mở, và bạn bè đọc vui mừng! [06:08]
Phóng viên: Thưa Thầy, con vừa mới phỏng vấn cái người Úc ngồi bên cạnh đây, thì ông ta cho biết là sau khi ông ta thiền một thời gian thì ổng cảm thấy là ổng hiểu được người khác nhiều hơn, hiểu được Vũ Trụ nhiều hơn, hiểu được lý do nào lại có cuộc sống ở đây.
Thưa Thầy, ông ấy nói đến đó, chúng con cũng không muốn hỏi thêm, vì nó cũng rất là khó giải nghĩa. Xin Thầy, nhân dịp này có thể giải nghĩa rõ hơn là: Hiểu người khác, hiểu Vũ Trụ, và hiểu cái cuộc sống của người ta là như thế nào ạ?
Đức Thầy: Cho nên, tôi đã nói với anh rằng, mình ăn một chén cơm, một trái cà, rồi mình thiền, hít cái… Pháp Vô Vi này là hít cái nguyên khí của Vũ Trụ, thì tự nhiên nhắm con mắt thấy sáng, thấy hết những sự xán lạn trong tâm tư mình, những sự sai lầm, những sự này kia của mình, mình biết, mình ăn năn, hối cải, nâng cao cái tần số trí thức và cảm giác của khối óc của mình, cho nên nó mới hòa với cái tầng chấn động của Vũ Trụ, lúc đó mới hiểu mình không phải là con người ở đây, không ai có thể chế ra mình được!
Cho nên, mình hiểu vị trí của mình rồi, mình mới nắm vững tình thế: Chỉ có cái tu mới là chuộc được cái tội của mình. Chỉ có tu mới là cứu người!
Vì tất cả mọi người như chúng ta: mắt, mũi, tai, miệng, mà chúng ta tu, sửa chữa được, mới ảnh hưởng được người khác. Đó là Đức Thích Ca đã làm, làm một việc cho tất cả mọi việc!
Phóng viên: Thưa Thầy, Thầy cũng đã đi từ Đông sang Tây, từ Nam tới Bắc, Thầy tiếp xúc nhiều những vị chân tu, và cũng với nhiều những Quốc gia Đông phương cũng như Tây phương. Dạ thưa Thầy, Thầy thấy giữa kiến thức của Thầy với những kiến thức khác có nhiều sự giống nhau không, Thầy?
Đức Thầy: Thì tất cả những sách vở, kinh sách, rốt cuộc cuối cùng là giống nhau; nhưng mà chỉ đòi hỏi sự thực hành của cá nhân mà thôi. Không có tôn giáo nào xấu hết, chỉ người hành giả xấu thôi. Người hành giả mà biết hành đúng theo lời giáo huấn của bất cứ tôn giáo nào, gọt rửa sạch sẽ tâm thân thì tự nhiên yên. Thành ra tôi thấy cái hòa đồng tất cả tôn giáo mà thể hiện ở mặt đất này đều do chuyển ý của Thượng Đế mà đưa cho mọi người được có cơ hội học hỏi để tiến thân.
Phóng viên: Dạ thưa Thầy, để cho thính giả của chúng con sau khi nghe chương trình này có thể biết là bắt đầu như thế nào để vào, để thiền, thì Thầy có thể nói vài ba giai đoạn của thiền cho khán thính giả nghe? [08:32]
Đức Thầy: Cái Thiền là để chấn chỉnh khối óc của mình, bởi vì cái chấn động của khối óc là chấn động liên hệ với cả Càn Khôn; nhưng mà khối óc của chúng ta bị chênh lệch bởi tứ quan: mắt, mũi, tai, miệng, thì nhìn màu này thích, nhìn món ăn kia thích. Thì cái thích nó tạo cái mê cho chúng ta ở thế gian này; trong cái mê với cái chấp, thích và ghét, thích và không thích, nó tạo cái mê, chấp từ căn bản từ món ăn, mà cho cái óc của mình bị rối loạn.
Cho nên tới ngày nay là tôi đã tìm ra là cái ruột, cái ruột con người mà không lo thanh lọc, thì tất cả những cái bệnh nó từ trong ruột mà ra. Cho nên tôi qua một cơ hội, tôi gặp được một bác sĩ Zimmermann ở Đức, thì tôi được điều trị, và súc tất cả ruột của tôi 12 tuần lễ, để cho mọi người thấy rõ rằng con người có thể súc 52 lần mà không có nguy hiểm, và tất cả bệnh tật phải ra khỏi cơ tạng.
Đó, tôi thấy rằng phương pháp rất quý. Và cái phương pháp của chúng tôi phối hợp như vậy, người nào muốn tu, ban đầu mà không có súc ruột, và phải hành khổ như tôi lúc ban đầu, chắc chắn là gặt hái kết quả. Là ăn cơm với trái cà, uống nước nhiều hơn, nhịn đói để rửa cái ruột cho nó thanh nhẹ, thì cái khối óc của mình nó mới bật sáng ra. Cho nên, nhiều người ở thế gian bây giờ đi theo tôi tu, tôi nói, nhưng mà họ vì hoàn cảnh phải lo đi làm, người nói: “Tôi không có ăn, tôi không có làm được”, thì bắt buộc họ ăn theo tùy thích của họ.
Những người mà làm đúng theo cái phương pháp của chúng tôi: Soi Hồn và Pháp Luân, mà làm đúng rồi thì tự nhiên họ giảm bớt cái ăn. Cái ăn là do đâu? Thanh khí điển hóa sanh vạn vật, energy mạnh nhứt hóa sanh việc này việc nọ, đồ ăn này, đồ ăn nọ; thì chúng ta ăn vô, nhai nhuyễn, rồi nó biến thể trở về cái luồng điển để cung ứng cho cơ tạng. Thì bây giờ chúng ta làm Pháp Luân, chúng ta hít thẳng cái nguyên khí của Càn Khôn Vũ Trụ, càng ngày nó càng mạnh lên, con người nó tự nhiên thích... Hồi trước ăn mặn, rồi tu, tu, tu, tu thét rồi nó ăn chay. Nó cần đồ nhẹ hơn. Rồi tu cho nó bớt ăn ban đêm, nó ăn cái nguyên khí thanh nhẹ, thì tâm thân an lạc và làm được nhiều việc sáng suốt, khỏe mạnh, và không bị cái sự bệnh hoạn hăm he nó nữa. [10:56]
Phóng viên: Thưa Thầy, nói một cách thực tế hơn, bây giờ một người mà muốn thực hành thuyết của Thầy đó, đầu tiên họ phải làm gì?
Đức Thầy: Đầu tiên họ phải có cái phương pháp Soi Hồn và Chiếu Minh. Chúng tôi có cái pháp Soi Hồn và Chiếu Minh, có sách vở… và chấn chỉnh khối óc, và làm Pháp Luân để thanh lọc cái hỏa can, cái gan họ, giải tỏa cái phần trược khí ở trong cơ tạng, và cái ruột họ nhạy cảm trở lộn lại.
Phóng viên: Thưa Thầy, muốn làm như vậy thì phải làm thế nào ạ?
Đức Thầy: Nó rất dễ! Nói đây đâu có làm được; phải thực hành cho anh coi. Lấy 3 ngón tay… trong sách có diễn tả rất rõ ràng.
Phóng viên: Hai bàn tay vào trán, một ngón tay vào đuôi con mắt, và một ngón tay vào thái dương… Dạ, Thầy nói tiếp đi ạ!
Đức Thầy: Co lưỡi, răng kề răng. Sau khi quý vị đi làm ở trong office, nhưng mà trong thâm tâm ý niệm nguyên lý của “Nam Mô A Di Đà Phật”. Cái chấn động của nguyên lý “Nam Mô A Di Đà Phật” không phải của người Việt Nam, không phải của người Tàu, mà nó là nguyên lý chấn động của Vũ Trụ Quang.
“NAM...” thì nó chạy, cuối cùng cái điểm ở đây.
“MÔ...” nó lên trung tim bộ đầu.
“A...” nó xuống ngay trái thận.
“DI...” từ ở đây phát triển đi lên.
“ĐÀ...” màu sắc phát quang, mọi người đều có cái ánh hào quang, con ma nó không có nhập được, phát quang ra.
“PHẬT...” hay thanh tịnh ở nơi mình. Mình biết chuyện của mình để sửa tiến, chớ không phải tu mà đi tọc mạch chuyện của người khác, không có vụ đó! [12:43]
Phóng viên: Thưa Thầy, tại sao Thầy để ngón tay vào 3 điểm đó ạ? Tức là điểm đuôi con mắt là một, thái dương là hai…
Đức Thầy: Hai cái điểm từ bên trái xuất ra, từ bên mặt xuất ra; hai cái xuất điểm tìm một giao điểm, nó kết hợp, nó mới thánh một cái luân xa ở đây; nhắm con mắt mới xuất phát ra được.
Phóng viên: Thầy để 5 ngón tay vào chỗ… (nghe không rõ)
Đức Thầy: (nghe không rõ)
Phóng viên: Dạ, tập trung giao điểm ở giữa cặp mắt…
Đức Thầy: Đó, nó mới xuất ra. Cái người tu ban đầu mình lo cái chuyện bên ngoài, nó nặng nhọc, lo âu. Bây giờ mình làm thét rồi nó trụ ở đây (trung tâm giữa hai chân mày), thích nhắm con mắt hơn. Mà càng thích nhắm con mắt thì nó bỏ chuyện phức tạp ở thế gian; chuyện tranh chấp từ từ, từ từ nó xa rời và nó quy hội về tâm linh; con người nó càng sáng suốt hơn - Là pháp Soi Hồn. Và nó làm cho ổn định khối óc.
Cái Pháp Luân Thường Chuyển, tại sao phải làm Pháp Luân Thường Chuyển? Vì cái nguyên khí nó chạy như vầy, chạy vòng, mà chúng ta làm Pháp Luân Thường Chuyển, ngồi co lưỡi, răng kề răng, nó mở, cái chu kỳ nó mở, nó mở từ… “Đầy rún, đầy ngực, tung lên bộ đầu”… Nó mở (nghe không rõ)… Đó… sự giao cảm đi lên.
Chúng ta xuống thế gian, lúc chúng ta xuống, lâm thế gian thì hồng trần nó hút, cái luồng điển của cơ tạng nó hút cái phần hồn; cho nên cái phần hồn ngự ở trong cái thể xác này mà không biết, tưởng là cái thể xác này là chủ. Mà kỳ thật cái thể xác này tạo cái sóng song mê: trang hoàng bên ngoài cho đẹp, nhưng mà bên trong là đau khổ. Cái phần hồn là khác!
Cho nên, người tu Vô Vi là khai thác cái cơ tạng này cho nó mở cái chu kỳ tiếp tục của nó, trở lộn lại để hòa hợp. Nó từ trên xuống, nó phải biết con đường trở về lên trên, khi nó nhắm mắt, nó xuất ra. [14:40]
À, còn những người mà chưa mở được là chỉ lo âu thôi. “Tôi sống tôi làm sao có địa vị? Tôi làm sao có tiền bạc? Tôi làm sao có nhiều nhà cửa?” nhưng mà không đặt câu hỏi: Tiền bạc rồi có cứu được chết? - Không! Địa vị có cứu được chết? - Không!
Đó, cho nên Nho Giáo có nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
- Tu bổ sự khiếm khuyết trong khối óc của mình.
- Tề gia: ổn định cơ tạng, khối óc chúng ta.
- Trị quốc: trị cái tánh tham dâm, hướng thiện thì nó hóa giải trở nên thanh nhẹ.
- Bình thiên hạ: đem cái thức bình đẳng, người ta là mình, mình là người ta; thì đó mới khơi dậy cái điểm từ bi, sống chung hòa bình trong Vũ Trụ, mới kêu “siêu văn minh” ở kỳ tới.
Ngày nay chúng ta đã bước lần tới siêu văn minh. Vật chất đã tiến hóa, ngày nay quý vị phỏng vấn tôi bằng một cách rất tinh vi, rồi tương lai nó sẽ có những cái khác nữa. Thấy không? Từ xa xưa nói không có máy bay, bây giờ nó có máy bay rồi! Chúng ta từ Mỹ qua đây trong nháy mắt có thể tới được. Thì cái xuất hồn không phải là chuyện lạ; bởi vì sự hiện diện của chúng ta ở thế gian chưa có ai có thể chế chúng ta được. Cho một trăm tỷ Mỹ Kim cũng chế chúng ta ra không được! Vậy, cái sự hiện diện của chúng ta đi làm cái chuyện mất giá trị, chúng ta đâu có làm. Hiểu được vị trí chúng ta phải làm được chuyện khơi dậy tâm từ bi và cứu độ chúng sanh. Đó là nhiệm vụ của chúng sanh để đi tới kết thúc cái siêu văn minh, nghìn năm hòa bình ở tương lai!
Phóng viên: Dạ thưa Thầy, cho con hỏi một câu: Hồi nãy Thầy có nói đến là tu “Nam Mô A Di Đà Phật” phát huy một cái ánh đạo vàng, và để đánh bạt một cái, nghĩa là Thầy gọi là con ma. Thế thì tại sao lại có cái yếu tố con ma, dạ Thầy?[16:26]
Đức Thầy: Con người, cái chấn động quân bình, không có hại. Mà cái chấn động mất quân bình, tức là tâm ma.
Nói “NAM...” co lưỡi răng kề răng, anh niệm “NAM...” thì cái nước miếng nó chạy. Nước miếng nó chạy ra là cái máu anh nó chạy; chứng minh cái cycle d’energie, cái điển ở trong cơ tạng nó chạy.
Mà chúng ta niệm “NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT” chấn động trong ý niệm chớ không phải là văn ngôn, không phải lời nói. Ý niệm mà nó chạy đều ở trong cơ tạng thì chúng ta mới thấy rằng cái Tiểu Thiên Địa này với Vũ Trụ là một. Trong này Anh có Nước, Lửa, Gió, Đất; thì bên ngoài cũng Nước, Lửa, Gió, Đất, nhưng mà mình không chịu khai thác ra, bởi mình không thấy rõ vị trí của mình; mình thấy mình nhỏ quá, không có phát triển được. Kỳ thật là mình là một người quan trọng ở thế gian. Khối óc chứng nhận Chúa, khối óc chứng nhận Phật, khối óc chứng nhận ma quỷ, nà khối óc không chịu trở lại với sự quân bình của họ, thì họ mất hẳn quyền năng sẵn có của chính họ!
Mà quyền năng là gì? Buông bỏ và trở lại với thanh tịnh, đó là cái cơ cứu rỗi. Cho nên con người đau khổ rồi mới thức tâm.
Như chúng tôi từ Việt Nam ra đi, bước xuống thuyền… không biết ngày mai tôi sẽ đi đâu? Tôi chỉ biết sống với Trời, Phật. Cái tâm tôi nghĩ sống với Trời, Phật thôi, không có sống với người phàm nữa, vì chiếc ghe (17:45 nghe không rõ)nó chìm rồi… không nghĩ vấn đề (nghe không rõ)… ; mà nhiều người như vậy: lấy biển cả làm nhà thờ, lấy biển cả làm chùa chiền mà tưởng tới Tiên, Phật, Thánh.
Tại sao lại tưởng tới Tiên, Phật, Thánh mà tâm chúng ta an, lại không nghĩ chuyện hận thù nữa?
Trong lúc đó, không nghĩ chuyện hận thù nữa, nghĩ: “Đi cho đến bến thôi; mà đến bến thì tôi sẽ nguyện tu! Tôi làm sao tôi buôn bán làm ăn hơn người ngoại quốc được? Vốn liếng ở đâu? Chỉ có cái hồn, có cái tâm thôi!”
Mà cái tâm đến đây rồi không biết nhìn lại nhau, không biết nhìn lại mình, không biết thương anh em; tâm sát phạt với nhau và chia rẽ! Cái đó, sự đau đớn nhứt của người Việt Nam!
Mà biết được cái đó không phải là cái hạnh phúc của nhân dân, thì chúng ta phải xây dựng tức khắc nền tảng hạnh phúc cho nhân dân, là lo tu tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ là làm sao sửa chữa được mình để đem cái thức bình đẳng đối xử với nhau, thì cái khối Việt Nam sẽ đóng góp cho nhân loại ở tương lai.
Người khổ mới hiểu được cái sự khổ! Người khổ mới biết được cái biên giới thanh tịnh là quan trọng.
Phóng viên: Dạ. Dạ thưa, tới đây cũng hơi dài, chúng tôi xin đại diện cho thính giả của đài phát thanh (nghe không rõ) xin cảm ơn Thầy nhiều lắm!
Đức Thầy: Dạ, cảm ơn quý quý đài! [19:11] Đài BBC, hình như chúng tôi có gởi sách?
Phóng viên: Dạ có!
Đức Thầy: Có, Vô Vi có!
[Phóng viên và Đức Thầy nói chuyện, nghe không rõ] [19:35]
[Hết Video BBC Radio Phỏng Vấn]