TRÊN ÐƯỜNG THANH THOÁT
Paris, ngày 8 tháng 7, năm 1984.
Hôm nay là ngày chung thiền tại thiền đường Paris. Sau ba ngày Ðại hội, ban Chấp hành của Hội Ái Hữu Vô Vi rất vất vả, mang một niềm tin xây dựng và thương yêu đã phục vụ mọi người. Tất cả bạn đạo, huynh đệ tỷ muội thương yêu nhau, dìu tiến lẫn nhau, cùng chung tham thiền ba buổi của Ðại hội. Ngày hôm nay, một số còn lại lại có cơ hội tiếp tục nơi thiền đường Paris. Chúng ta chung thiền hằng tuần, mục đích mưu cầu con đường giải thoát trần tâm để trở lại với mọi sự thanh thản sẵn có trong nội thức. Niềm tin của lời kêu gọi của Ngọc Hoàng Thượng Ðế Vô Cực Ðại Thiên Tôn, chư Phật, chư Tiên, cùng chư vị, đã cùng chung tìm con đường về Nguồn Cội với chúng ta tại thế, chung lo tu học, ngày đêm ráo riết ước nguyện giải tỏa những sự trần tục mê muội bám víu vào nội thức nhiều kiếp, nhiều năm, mong sao sớm trở về với thanh thoát, phá mê phá chấp, để đi trong một cái thức bình đẳng, chung nhau tay nắm tay thực hiện cho kỳ được Tình Thương và Ðạo Ðức để trở về với cõi thanh nhẹ sẵn có.
Ở thế gian hay tranh chấp kẻ giàu người nghèo; còn người tu về đạo: đạo là tự nhiên, do tâm tự phát nguyện tu hành, chứ không phải do tiền mà tu. Nếu do tiền mà tu, chúng ta không có người nào tu! Do tâm mà tu! Ngày hôm nay, chúng ta lâm trần mang một tâm bệnh tại thế, cho nên chúng ta nghĩ làm cách nào để chữa trị căn bệnh nan y này. Mọi người chúng ta chung hội và tìm con đường sáng lòa trong nội tâm, thực hiện cho kỳ được. Trên đường tu tiến, không sao tránh khỏi những sự vấp ngã vì tập quán của thế gian lôi cuốn bởi mắt phàm, tai phàm, miệng phàm, mũi phàm, rồi kẹt trong lề lối tranh chấp vô lý. Chúng ta ngày hôm nay đã được Bề Trên sáng suốt mở đường cho chúng ta thấy rằng: phải làm sao tránh khỏi những lề lối tinh vi có thể phỉnh phờ và đưa chúng ta xuống vực thẳm mà chính ta cho là cao siêu!
Chúng ta đã bỏ công ra tu để tìm cái gì? Tìm trở lại với sự thanh tịnh mới sáng suốt, mới xét rõ Chơn, Tà trong ta. Các bạn đã tu nhiều năm, nhiều tháng, và đã thấy rõ sự Chơn, Tà trong mọi cá nhơn. Kể cả những người mới đến đây tìm hiểu, tò mò để biết coi đạo pháp này nó ra sao? Có phải một tụi lừa bịp hay là không, để phỉnh phờ chúng sanh và đưa chúng sanh vào chỗ chết không có lối thoát? Càng ngày càng đông người, trong sự tìm hiểu, rồi mọi người mới ý thức rằng: chính con đường, ta phải tự đi! Cho nên mỗi mỗi huynh đệ chúng ta đến đây, một số đông, nhưng mà kỳ thật mọi người đã mang một tâm thức rằng: “Tôi phải tự tu tự tiến! Tôi phải đi trong thanh nhẹ, tôi phải giải tỏa sự ô trược của chính tôi để tôi trở về với sự chơn giác, nhàn hạ tự chủ, chứ không còn lệ thuộc bởi người truyền pháp!” Thì các bạn đã thấy rõ rằng: không có sự ràng buộc bên ngoài nhưng mà có sự khuyến tâm ở bên trong. Mọi người phải tự hành, tự tiến, tùy theo trình độ căn cơ của mỗi cá nhân.
Nhận định rõ chơn tướng chúng ta đã luân hồi trong trầm luân bể khổ bao nhiêu kiếp không lối thoát, nuôi dưỡng một bản tánh sân si, buồn tủi, tranh chấp vô lý, ngày hôm nay chúng ta buông bỏ tất cả! Nhận định rõ cái thể xác của chúng ta là tạm, và càng nhận định chiều sâu của thể xác là cấu trúc của siêu nhiên mà có, rồi chúng ta mới thấy rằng: ngoại cảnh là tạm, nhưng nó rất quý. Nhờ ngoại cảnh kích động, chúng ta mới biết con đường tu học để trở về với Chơn Tâm; nhờ ngoại cảnh, lần lượt chúng ta mới hiểu nội bộ của chính ta sai lầm. Cho nên mọi người chúng ta ngồi đến, nghe băng và nhắm mắt, mong thiền, tiến về con đường thanh thoát, tìm hiểu trong chơn tâm chúng ta có những gì đây? Tại sao bộ đầu chúng ta, lúc nào nghe qua lời giảng và trong giờ tham thiền của chúng ta, bộ đầu cũng ríu ríu, rút rút, rút cái gì đi? Rút luồng điển! Mà luồng điển thanh nhẹ đó, lấy gì chứng minh? Nội tâm chúng ta hiểu rằng: càng tham thiền, càng nghe âm thinh siêu diệu ở bên trên rút bộ đầu chúng ta, và đưa tiến lên chứ không phải giáng nhập trong thể xác của chúng ta, thì chúng ta phải tự tránh được con đường mê loạn phỉnh phờ, do công năng công phu của mọi người tu để xuất phát đi lên. Còn luồng điển nhập vô, lạnh này kia kia nọ, chuyển chạy trong châu thân, đó là tà! Chúng ta đã hiểu rõ: luồng điển nhập xác là luồng điển tà; còn luồng điển thanh thoát tâm tâm tương ứng là luồng điển chơn. Xưng danh này, xưng danh kia, xưng danh nọ, nhưng mà có xưng danh chơn và có xưng danh tà. Xưng danh chơn là tâm tâm tương ứng, còn xưng danh tà là hộ nhập, và buộc thể xác, điều khiển luôn thể xác!
Cho nên mỗi mỗi chúng ta đã nhận thức được chúng ta có rất nhiều cơ hội chứng kiến những điều này, và chúng ta đã thấy rõ con đường đi phải đi và tự chọn con đường đi. Cho nên Vô Vi luôn luôn tự do cho mọi người nghiên cứu và đóng góp cái hay cái dở, mà rốt cuộc thì mình chỉ đóng góp cho chính mình, nguyện tự tu tự tiến để ảnh hưởng chúng sanh, ảnh hưởng những người kế tiếp đang trầm luân trong sự đau khổ như ta ở trước kia. Ngày nay, không nhiều thì ít, tu có tiến hay là không, tự mình chưa chứng minh được; nhưng mà thấy rõ, sự thanh thoát của nội tâm đã về với chính chúng ta. Có người thấy cảnh này cảnh nọ, nhưng mà rốt cuộc, cho cảnh là tạm và trở về với chơn thức là chánh, thì đâu có bị lầm nữa! Nhiều người không hiểu, lầm cảnh và mê cảnh, thì bị sai lầm; còn đây là trở về với chơn thức thanh nhẹ, thì không còn sai lầm. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu với cả càn khôn vũ trụ, chuyển tiến vô cùng, khai mở tâm linh sẵn có! (9:29)
Cho nên cái chiều hướng tu học của những người Vô Vi là hoàn toàn tự do khai triển tùy theo căn cơ, hướng thượng để tu tiến, không phải lệ thuộc nữa! Những lời nhắc nhở đánh thức tâm hồn là những lời chơn chánh để mọi người tự đi, chứ không có bảo mọi người phải theo như vầy và như vầy. Không, mỗi người nó có một cái trình độ khác nhau! Chúng ta thường luận xét, thấy rõ: mỗi người mắt mũi tai miệng, tứ quan ngũ tạng như nhau, nhưng mà trình độ đều khác nhau. Trong chu trình tiến hóa, mỗi hoàn cảnh đều khác nhau, nhưng mà quy lại một mối là quy không giải tỏa. Mục đích chúng ta muốn trở về KHÔNG, nhưng mà người thế gian rất khó. Cũng thấy rõ là tôi muốn, đêm đêm tôi muốn trở về KHÔNG, nhưng mà sự trì trệ trong nội tâm tôi luôn lôi kéo tôi; nghiệp lực của gia cang đã lôi kéo tôi làm cho tôi bận rộn, lắm khi tôi lại chống trả với chuyện tu hành của chính tôi. Tôi quên đi, tôi quên đi đại nguyện, tôi quên đi chiều sâu tôi phải làm ở tương lai bằng cách nào. Tôi đã nguyện hy sinh tánh hư tật xấu, rồi tái bồi tánh hư tật xấu, tại sao? Nghiệp lực càng ngày càng gia tăng gây sự khổ não cho chính tôi, là tại vì tôi không dứt khoát! Cuối cùng là chúng ta đã xét rằng: tôi không dứt khoát, mà khi tôi dứt khoát là tôi trở về với chơn tánh. “Minh tâm kiến tánh” là mới thấy rõ Phật tánh trong tôi, sự thanh nhẹ ở trong tôi; tôi phải bước qua giai đoạn thanh nhẹ rồi tôi mới hiểu cái chiều sâu của sự hy sinh là giá trị, tôi hiểu rõ chiều sâu của lượng từ bi là đời đời bất diệt. Tôi lại học, học thêm, học cái ÐẠI TỪ BI của Thượng Ðế, học cái ÐẠI TỪ BI của Ngọc Hoàng Thượng Ðế Vô Cực Ðại Thiên Tôn: Ngài đã vì chúng sanh hy sinh biết là bao nhiêu, xây dựng biết là bao nhiêu, đều là tân tiến, văn minh hợp thời; nhưng mà chúng sanh không hiểu được, ỷ lại, cầu xin, quên đi khả năng sẵn có của chính mình. Mình là con cưng của Ðấng Cha Trời mà không hiểu: chúng ta có quần áo mặc, có cơm ăn, có đầy đủ; ai đã cho, ai đã nâng niu, ai đã làm, ai đã xây dựng điều này cho chúng ta hưởng? Nó có một chủ đích siêu diệu từ xa xưa chuyển giám tới ngày hôm nay để cho chúng ta có cơ hội biết đi, biết đứng, biết thức tâm. Ðến đây đi đứng, tranh chấp, học hỏi, xây dựng dũng chí, nằm hẳn trong Bi Trí Dũng rõ ràng, đã tiến hóa tới vô cùng. Tự gánh, tự đi, rốt cuộc các bạn thấy: nhỏ, lúc sanh ra, thì cha mẹ nuôi nấng, đến trưởng thành cũng ỷ lại nơi cha mẹ, rồi một ngày nào đó, các bạn cũng phải tự đi! Chúng ta đã đi và tự đi! Cuối cùng cũng phải ra đi, chứ không có ở lại được. Học xong khóa này thì phần hồn phải ly thể xác.
Cho nên, cái phương tu của chúng ta là luồng điển thanh nhẹ đưa lên và rút đi lên chứ không phải ở trên giáng xuống và hộ trì, làm cho cơ thể nặng nề! Ðiều này các bạn phải hiểu rõ: con đường Vô Vi là luồng điển rút đi lên, không còn lệ thuộc nữa! Nếu lệ thuộc và mách bảo những tin này tin nọ, đều là sái quấy, không đúng! Trở về với thanh nhẹ, sáng suốt, mới là đúng. Khuyên người tự thức, tự tu, mới là đúng. Cho nên tất cả những thiền đường ở thế giới hiện tại, một số người đã ý thức được tự tu tự tiến, và đồng chung thiền với bạn đạo hằng tuần ở trong cái ý nguyện tự giải thoát, chứ không còn cái sự mê muội và đem chuyện này chuyện nọ tới đàn áp tâm thức của bạn đạo. Ðiều này Vô Vi không chấp nhận! Những người Vô Vi phải tự tu, tự đi, tự tiến, không lệ thuộc, rất rõ ràng! Thấy rõ sự ảnh hưởng của chư Phật, chư Tiên là tự hành tự đắc, thì chúng ta phải biết con đường này và tự hành tự đắc!
Cho nên Vô Vi là đa diện, kể cả thiêng liêng cũng phải học tu! Cho nên chúng ta mở rộng tầm tay để cho mọi giới tiến tới với Vô Vi; đạo nào cũng được, nhưng mà đường lối chúng ta phải chỉ mọi người phải trở về với cái đạo của họ, phải giữ lấy niềm tin sẵn có của họ, xây dựng cho chính họ! Tin Chúa, phải thật tâm thật thà đối với Chúa! Tin Phật, phải thật tâm thật thà đối với Phật! Chứ không có thể bỏ Chúa, bỏ Phật; không có thể bỏ niềm tin sẵn có của họ! Mọi người đến đây học để xây dựng niềm tin càng ngày càng sâu đậm hơn, và tiến về với sự thanh thản sáng suốt sẵn có của họ tự cứu tự tiến. Không được phản bội, đạo nào giữ đạo đó, và với cái phương pháp này rồi con người sẽ tiến tới vô cùng! Không nên kêu một ai từ bỏ cái đạo của họ! Nếu chúng ta khuyên người ta bỏ đạo, là chúng ta là người có tội và chúng ta là người phải xuống địa ngục! Không làm điều này được, nhưng mà cho người ta có một cơ hội huấn luyện của chính họ và họ thấy trở về với sức khỏe đầy đủ, trở về với lực quân bình sẵn có của họ. Họ hướng thượng và họ truy tầm những cái chuyện ao ước của chính họ để gặp những vị thân yêu mà họ đã từng kính mến bao nhiêu kiếp, bao nhiêu năm, ngày nay họ lập lại trật tự, và họ sẽ tương ngộ và kính bái những vị kính yêu đó, mới là đúng đường lối tu học!
Cho nên chúng ta không có chủ trương rằng mọi người phải theo tôi! Không! Trở về với chính họ, trở về với mọi hành giả, trở về tin nơi khả năng sẵn có để khai thác lấy chính họ và tìm hiểu chiều sâu sẵn có của chính họ, tìm ra hạt kim cương bất hoại trong nội thức của họ, để họ tự đi trong tinh thần cứu khổ ban vui ở khắp các nơi! Mọi tâm linh là mọi hạt kim cương lóng lánh hòa hợp với cả Càn Khôn Vũ Trụ; và chỉ cho mọi người thấy đường lối như vậy thì họ phải trở về với Chơn Giác. Hỏi chứ: vị kính yêu của họ là Chơn Thần Tu Học, hay là Chơn Ðạo Quốc Việt (16’56”), thì nhất định đương nhiên luật đó phải tương ngộ trong tinh thần xây dựng tâm tâm tương ứng cho họ, không có bị lệ thuộc ngoại xâm nữa!
Mọi người ở thế gian không tu thì hướng ngoại, cho nên ngoại xâm! Ngoại xâm chỗ nào? Các bạn thấy chưa: các bạn là trong lành giáng thế, mà ngày hôm nay các bạn lại ăn thịt con thú, sát cái này sát cái nọ để hỗ trợ cho xác thân; hỏi chứ cái gì đang quản lý? Chúng ta rước Tà vào thân để quản lý cái Chơn! Rất rõ! Con heo, con gà, trước khi chết nó động loạn vô cùng; thì chúng ta hút cái máu động loạn, thì cái máu đó chạy đâu? Liên hệ chạy trong huyết quản động loạn làm cho chúng ta sân si buồn tủi đủ thứ! Bao nhiêu cũng không vừa, tham càng tham hơn! Tu thì bắt Phật phải làm việc cho chính mình, bắt Trời phải làm việc cho chính mình! Tham, túi tham không đáy! Không chịu tự hành và không chịu chấp nhận hoàn cảnh hiện hữu để thăng hoa trong sự thanh tịnh, cho nên càng ngày càng kẹt thêm! Tôi cúng Phật, tôi lạy Phật, tôi tu theo Phật, mà tại sao tôi lại khổ hoài? Không hiểu! Bề Trên đã chứng và cho chúng ta thấy: trong cái khổ và xây dựng niềm tin trong khổ, mới thanh thoát, mới vượt qua cái khổ, thì chúng ta đạt tới hạnh phúc, mà không hay!
Cho nên nhiều người đã tu, gạt tất cả những sự trần trược bao vây trong tâm thức, kể cả ngoại cảnh, xác, nhà cửa, xe cộ, người cũng hy sinh tất cả để trở về với sự thanh nhẹ, không còn nghiệp lực thu hút nữa. Nhìn những người thanh tịnh mới thấy giá trị đó, còn thiếu thanh tịnh nói: “Ôi cha, ông này tu càng ngày càng nghèo, như vậy tu để làm gì? Còn tu càng ngày càng giàu, tôi mới tu! Tu ra bạc, ra tiền, tôi mới tu!” Ðó là sự sai lầm! Chúng ta đã từ bỏ nghiệp lực của tiền bạc, của tà khí, mà ngày nay chúng ta lại mong có tiền, rồi để làm gì? Không lẽ tái hồi sự sai lầm sao? Gia tăng nghiệp lực để kéo chúng ta ở lại và chúng ta không thể làm được việc lớn “cứu độ chúng sanh ở tương lai”, thì càng tu càng nhỏ bé, càng thất bại và càng không tiến! (19:20)
Cho nên những người đòi hỏi tiền bạc, cầu xin là có tiền bạc, nhưng mà kỳ thật đã quên, quên khả năng sẵn có của chính mình. Nếu các bạn cầu xin mà có, thì các bạn đừng đi làm, thử nó có tiền không? Phải đi làm, phải khổ cực, phải khôn ngoan, phải mánh lới, phải biết cách lường gạt người ta các bạn mới có tiền! Hỏi chứ các bạn phải đi vô cái chỗ trầm luân, kẹt và không có tiến được? Rồi nhiều người nói: “Tôi có tiền, tôi mới làm được đạo, tôi mới giúp người ta…”. Không phải vậy đâu bạn ơi! Nếu các bạn có tiền giúp người ta, ở Việt Nam các bạn đã giúp người ta rồi, các bạn chạy ra đây làm gì? Vì lòng tham của các bạn ôm ấp tiền của, ngày nay mới giải tỏa ra, rồi các bạn mới thấy rằng: cái bản chất tăm tối sẵn có của chính mình, không nên nuôi dưỡng nữa và không nên vun bồi nữa! Từ bỏ nó để trở về với sự thanh thoát, và thấy rõ Bề Trên đã sắp đặt rất rõ rệt: ăn bây nhiêu, mặc bây nhiêu có chừng! Các bạn cố gắng làm ra bạc tỷ, rồi rốt cuộc, các bạn ăn được bây nhiêu và mặc bây nhiêu? Ðến ngày hôm nay, các bạn còn tham nữa là để chi? Ðể chôn sống phần hồn của các bạn mà không hay! Cửa địa ngục đã đóng rồi, tại sao các bạn lại chun xuống nữa? Chun mãi, chun hoài xuống đó để làm gì mà cho đau khổ, than khóc ngày đêm? Chúng ta hiểu con đường phải đi lên, thấy nhẹ mà khó; chúng ta phải trì kỳ chí mới vượt qua cái điểm khó này! Cho nên các bạn nhiều khi ngồi tham thiền, nhắm mắt, thấy cảnh này cảnh nọ và muốn đến gần đó, không đến được, tại sao? Tại vì các bạn còn trược, còn nặng, không đến được theo ý muốn; mà các bạn thanh rồi, thì không muốn nó cũng đến. Cái đó mới thật sự là chơn tu! Lúc nào chúng ta tham thiền, chúng ta cũng buông bỏ cái sự ước mong trong ngoài để tới cái sự quân bình, thanh nhẹ, thăng hoa. Không phải muốn chuyện này, chuyện kia, chuyện nọ, là các bạn được đâu! Chúng ta thanh nhẹ chúng ta mới đạt được!
Cho nên, vui thay và lành thay, huynh đệ tỷ muội của chúng ta đã hướng về những ngày Ðại Hội! Chung vui tham thiền, tâm hồn cởi mở, thấy rõ những cái gì chúng ta ước mong thực hiện và cống hiến cho tất cả chúng sanh ngày hôm nay đã nhóe một tia sáng để chúng ta có cơ hội nói lên những gì sự uất ức của con người bị trầm luân tại thế, để cho mọi người tự thức và tự đi, đi trong con đường thanh nhẹ bình đẳng, không có chia rẽ, trong cái thương yêu, hiểu khổ, xây dựng niềm tin trong khổ để vượt qua khổ và trở về với hạnh phúc! Không còn hướng ngoại, không còn đòi hỏi sự bất chánh nữa, mới là con người chơn tu! Nếu các bạn còn đòi hỏi sự bất chánh là các bạn sẽ bị lường gạt tức khắc! Của cải nó đã gạt các bạn nhiều năm rồi, ngày hôm nay các bạn phải trở về với của của Thượng Ðế là không bị gạt: LUỒNG ÐIỂN THANH THOÁT! Luồng điển đó quý giá vô cùng, lúc nào cũng sống động và hợp thời! Cho nên chúng ta tu, nhắm mắt mà chúng ta hiểu nhiều việc; còn người mở mắt, tranh chấp, chê bai, lại bị giới hạn. Cho nên ngay trong gia đình các bạn, các bạn có những bài học thấy rõ: các bạn tu, gia đình chống đối, lớn nhỏ cũng chống đối, thấy một việc kỳ lạ hơn việc tất cả chúng sanh đã và đang làm. Chúng sanh là tranh chấp hơn thua, nhưng rồi không đi đến đâu, không hiểu cái cuối cùng mà hiểu cái hiện tại, mánh khóe gạt người ta được là thấy sung sướng rồi! Đó, ăn cắp được món quà của họ thấy sung sướng rồi. Đó là điều sai! Nhưng ngày hôm nay các bạn tu, ăn năn rồi các bạn thấy cái gì? Cái buông bỏ, cái thanh nhẹ, là cái bất hoại; còn cái có mà các bạn đang nắm đây, lần lần nó tiêu như cục nước đá, rồi cũng phải ra đi, thấy rõ chưa? Của cải, vợ con, một ngày nào đó rồi các bạn không còn gần nữa! Thì chúng ta sẽ gần cái gì? Chúng ta phải trở về với phần hồn. Phần hồn ta là cái gì? Là sự sáng suốt sẵn có của chính ta, và vun bồi sự sáng suốt thì nó thành ra một cái hình ảnh thanh nhẹ, đi đây, đi đó dễ dãi, đâu có phải đóng tiền, đóng bạc mới được đi? Ngồi đó thanh nhẹ là đi, là học, là tiến; mà mình phải tự đi, còn nhờ người ta đi dùm, chừng nào mình mới được đi?
Cho nên, ở thế gian ngược lại. Chư Phật, chư Tiên đã để lại những kỷ niệm rất tốt, những hành động rất quý cho chúng sanh, nhưng mà ngược lại, vô là chỉ nhờ Ðức Phật đi giùm thôi, thì làm sao chúng ta có cơ hội thanh thoát và được gần Ngài? Nhưng mà lúc nào, chúng ta, cái tâm, cái lời của chúng ta cũng nói rằng: “phục vụ đạo pháp”; mà không hành đạo, không thực hiện cái pháp, làm sao mới “phục vụ đạo pháp”? Dùng cái lý thuyết suông đó mà làm gì đạt được pháp? Cho nên phải thực hành trong khổ mới tìm ra Chơn Lý. Cho nên huynh đệ tỷ muội chúng ta là mọi người đến đây tu là mọi người đã khổ chứ không phải sung sướng đâu! Tất cả đều là khổ! Thấy rõ những hành động của chính mình không đúng và muốn trở về sửa chữa cho nó đúng hơn, và khi các bạn sửa chữa đúng hơn thì ai hưởng đó? Chính bạn là người hưởng trước! Bạn xây dựng được niềm tin, bạn mới thấy rõ hạnh phúc của chính bạn. Sung sướng vô cùng! Với cặp mắt phàm nói rằng: bạn ngu muội, bỏ tất cả, nhưng mà bạn có tất cả! Có những sự thanh nhẹ! Ðồng tiền giúp cho các bạn thanh nhẹ. Trong buổi ăn ngon, trong lời nói có văn chương, nhưng mà không có giải quyết được nội tâm thanh nhẹ. Bỏ tiền đi học biết chữ, vậy mà cái tâm vẫn còn lo âu! Làm tới ông này, ông nọ, vẫn còn lo âu! Tiền chất đống một bên cao như người, người ngồi đó và vẫn còn lo âu, sợ họ cướp bóc! Rồi bây giờ chúng ta tìm một cái CÓ mà không bao giờ sợ mất thì lấy gì mà lo âu? Có phải TU không bạn? Tu, các bạn mới trả được cái nợ của cả Càn Khôn Vũ Trụ và cái nợ thương yêu của chúng sanh đã xây dựng cho các bạn. Các bạn đừng có hiểu lầm là chúng sanh ghét các bạn! Chúng sanh đã đóng góp từ miếng cơm manh áo, làm ruộng rẫy, trồng cây lá để hoa quả cho các bạn hưởng, quần áo cho các bạn mặc, phương tiện cho các bạn di chuyển, là chúng sanh đã đóng góp biết là bao nhiêu cho bạn; mà ngày hôm nay, bạn đã đóng góp được những gì cho chúng sanh? (27:10)
Kích động, lừa bịp trong nội tâm của chính mình, rồi phản trắc, xảo trá lấy mình, thì chúng ta đã học nhiều quá rồi! Tự gạt lấy mình! Cái nào chúng ta cũng khen hay, là tự gạt mà không chịu hành. Ngày nay chúng ta hiểu được rồi, là phải hành! Chỉ trích ta, chỉ trích sự sai lầm của chính mình, mình mới tiến được; mà chỉ trích sự sai lầm của người khác, thì càng ngày mình càng lụn bại. Chúng ta ăn cơm ông Trời mà xây dựng cho con ma thì hư hết rồi! Ăn cơm ông Trời, phải sửa mình để tiến hóa mà ảnh hưởng con ma; rồi đâm đầu chửi cái xấu của con ma mà quên cái xấu của chính mình; hỏi chứ: chúng ta phải ăn cơm ông Trời, xây dựng cho con ma không? Ðó, nó thức tâm, nó sửa, nó tiến hơn, và chúng ta đây càng ngày càng lụn bại vì chúng ta biết chỉ trích, thị phi và không tu, không sửa lấy mình thì làm sao tiến hóa? Cho nên ăn năn, sửa mình đi! Chúng ta sai, chẳng có ai sai! Càng biết sự sai của chính mình, thì tâm hồn càng cởi mở, càng thăng hoa. Cho chúng ta là khôn, cho chúng ta là đắc, thì chúng ta kẹt! Con đường tu đạo, không nên cho ta là đắc đạo: tôi đã và đang tu, tìm phương hướng trở về với sự Chơn Giác vô cùng của Thượng Ðế đã ân ban, chứ tôi không bao giờ làm được Thượng Ðế! Phải trở về con đường đó, bất cứ giá nào, trong khổ hạnh tiến hóa!
Cho nên niềm tin sẵn có trong nội tâm! Rồi ở đâu tạo ra niềm tin? Khi các bạn tu: trước kia các bạn động loạn, ăn không được, ngủ không được; ngày nay các bạn tu rồi, ăn được, ngủ được. Mọi sự dễ dãi vào trong tâm thức của các bạn mà chính các bạn đã gỡ tháo được những cái trục đen tối đó, thì các bạn thấy rằng: niềm tin nơi khả năng của các bạn là quan trọng! Mà khả năng của các bạn đã làm được một giai đoạn cho bạn ở ngày hôm nay, thì giai đoạn kỳ tới đây các bạn cũng làm cho bạn được. Tại sao các bạn không tin nơi khả năng của các bạn, mà các bạn lại tin nơi khả năng của người khác để làm gì? Các bạn đã đạt được mục đích rồi là thấy rõ rồi: tôi phải trở về mọi sự thanh nhẹ giá trị vô cùng mà chính tôi đã làm cho tôi! Các bạn mỗi đêm mỗi hành đạo; mỗi đêm mỗi thực hành, các bạn mới giải tỏa được cái sự ô trược mê chấp đó, tại sao các bạn không tiếp tục giải tỏa nó được thanh nhẹ hơn? Nhiều người tu nửa chừng đâm ra tin cái này, tin cái kia, tin cái nọ, mà quên TIN KHẢ NĂNG CỦA CHÍNH MÌNH. Chính khả năng của chính mình là quan trọng! Chúng ta đã làm được, chúng ta phải tiếp tục làm!
Khoa học vật chất đã thành công: mỗi người đã làm, đã đóng góp, đã ghi chép, đã thực hiện, và trao lại chìa khóa cho những người kế tiếp đã làm và đang làm về vật chất; còn tâm linh chúng ta cũng đã làm và đang làm, thì chúng ta phải trở về với Khoa Học Huyền Bí, mà Khoa Học Huyền Bí là vô cùng, trở về với mọi thanh nhẹ để học thêm những sự biến chuyển trong nội tâm. Khoa học là sự biến chuyển: nay như thế này, mà tu thét rồi mai tôi thấy kiến thức tôi nó thay đổi rồi! Tôi trước kia nhắm mắt tăm tối, ngày nay tôi nhắm mắt thấy ánh sáng; trước kia tôi ngồi tôi thấy cái đầu không nhẹ, ngày nay nó đã nhẹ rồi, nó quên cả thân mình rồi, chỉ còn có chút xíu nữa, tại sao tôi không làm cho nó hết? Tôi phải trì kỳ chí tu để tôi tiến thẳng về Khoa Học Huyền Bí của Trời đất, thì con đường nó càng ngày càng sâu rộng, cởi mở, thanh thoát. Rồi tôi đặt vào trong sự mê tín, nói ông này tới nhắc cái này, ông kia tới nhắc cái kia, để làm gì? Khả năng của bạn cống hiến cho mọi người là đủ rồi! Tôi làm như vậy và giữ một đường lối như vậy, tôi đã đi đến như vậy, đó là cứu biết bao nhiêu! Các bạn đừng có vội, đừng có vội làm tiên tri, thiên cơ này kia kia nọ, mà các bạn khổ và kẹt ở trong cái thế bất lợi và bị hình phạt không hay! (31:44)
Cho nên hết sức trì kỳ chí tin nơi khả năng sẵn có của chính mình, và sử dụng khả năng sẵn có của chính mình để tiến tới một bước tiến sẵn có của chính chúng ta! Phong ba bão táp đến, rồi các bạn tin người khác, các bạn có thể chống chỏi được phong ba bão táp không? Tai nạn xảy đến, các bạn có chống được không? Chính các bạn là người chịu tai nạn, chịu phong ba bão táp, tại sao các bạn không tin nơi khả năng các bạn để ứng phó với tình cảnh bất trắc có thể xảy đến? Cho nên mọi người phải cấp tốc trở về với bản năng sẵn có của chính bạn! Nhiều kiếp đại nguyện của các bạn đầy đủ, tràn đầy trong tâm thức. Khi đau khổ là phát đại nguyện, khi đau khổ là phát đại nguyện, nhưng mà ngày hôm nay không chịu sử dụng đại nguyện và không thực hành cho đúng! Cho nên càng ngày càng tự lái sai mình! Bước đường đầu thì đi đúng, sau rồi nói bậy, thét rồi sai. Cho nên chúng ta phải dẹp, không nên hướng ngoại nữa, trở về với nội thức thanh nhẹ, trì niệm Lục Tự lo tu! Khi các bạn thanh nhẹ rồi, các bạn mới bước vào cái Ðại Học của Càn Khôn Vũ Trụ. Lúc đó bạn sẽ cảm thức bạn là một học viên cả Càn Khôn Vũ Trụ đã và đang học. Không có một thì giờ nào kêu bằng hoang phí hết, một cử, một động của các bạn là đã và đang học để tiến hóa, rất rõ rệt!
Văn minh đã cho ta thấy: đời sống đã xáo trộn trược thanh để cho chúng ta tự minh tự thức, hỏi chứ các bạn đang ở đâu? Ðang ở trong dung điểm trược, thanh rõ ràng! Cho nên, các bạn phải cố gắng thanh tịnh các bạn mới phân được hai giới đó. Phân rõ hai giới đó rồi, các bạn bước thẳng vào con đường trung dung tiến hóa. Bước vào con đường trung dung tiến hóa, thì các bạn mới thấy rõ khả năng vô cùng của chính bạn. Không theo bên phải cũng chả theo bên trái, nhưng mà phát triển vô cùng để cứu cả hai! Cái đường lối tu của Vô Vi là KHÔNG KHÔNG MÀ CÓ. Cho nên bao nhiêu sự đúc kết đóng góp cả Càn Khôn Vũ Trụ, huynh đệ tỷ muội chúng ta bỏ công ra tu và đã tìm ra những cái gì mà người đó đã thấy, rồi ngày hôm nay chúng ta kết luận lại: ai đã cho? Chính khả năng của mọi cá nhân đã tự đạt! Tại sao không tiếp tục sử dụng khả năng vô cùng đó để tiến tới sự thanh thoát và đóng góp cho cả Càn Khôn Vũ Trụ? Nhân loại đang khao khát tìm những siêu năng của nhân sanh; ngày nay chúng ta hiểu giá trị của siêu năng sẵn có của chính chúng ta, thì chúng ta sẽ là gì? Sẽ là một con người đóng góp cho xã hội tương lai tốt đẹp hơn! Siêu văn minh sẽ thực hiện trên mảnh đất, mọi người xây dựng tình thương và đạo đức, không có ngăn chặn bước tiến sẵn có của chúng sanh nữa! Mọi người hướng thượng là bước tiến vô cùng, mà hướng hạ đều là giới hạn; nhưng mà cứ đâm đầu hướng hạ tranh chấp! Các bạn thấy dao búa đều giới hạn khả năng của nó hết, cục đá cũng giới hạn khả năng, thấy cứng đầu vậy mà bị giới hạn; rồi lần lượt nó hao mòn, nó mới tiến hóa đi lên trên là vô giới hạn. Qua sự trui luyện là phải tiến hóa đi lên trên: hướng thượng là vô giới hạn! (35:39)
Cho nên chúng ta đã thấy rõ rồi: con đường đi lên là con đường vô cùng, thầm kín nhưng mà kỳ thật là cởi mở khai triển. Cho nên chúng ta trở về với thanh tịnh, trì niệm danh Phật, trì niệm cái chấn động lực để khai mở lục thông của chính chúng ta: đó là cái Chơn Lý của nhà Phật, và chính Phật đã đạt. Vậy chúng ta còn nại hà gì: những người đi trước đã cống hiến cả một cuộc đời, hy sinh nhiều kiếp để cho chúng ta được hưởng, mà chúng ta không chịu làm, chúng ta chỉ có nhờ và không hành! Ngược lại, bây giờ Vô Vi chỉ hành mà không nhờ, thấy chưa? Trong gia đình, đứa con biết lo lắng, trước sau cha mẹ cưng, thương, quý trọng. Thì chư Phật, chư Tiên cũng vậy! Được chúng sanh cưng, thương và quý trọng, là nhờ công của Ngài thành đạt, chớ không phải là nhờ nơi ai hết. Nhờ công của chính Ngài! Thì bây giờ chúng ta phải bỏ công! Chúng ta bỏ công đi nói dóc, bỏ công đi hơn thua, bỏ công đi tranh chấp, bỏ công đi hại người, chúng ta làm được, tại sao không có biết bỏ công để giúp mình và ảnh hưởng người khác? Có thể cứu cả hai, tại sao chúng ta không làm công việc này? Cứ làm cái chuyện tầm khào ở bên và cái chuyện không cần thiết, rốt cuộc rồi chúng ta bị lụn bại và tự tiêu diệt lấy mình mà thôi! Tại sao? Chúng ta có ngu muội không? Khi chúng ta hồi tỉnh rồi, chúng ta thấy rằng: tôi có phần sáng suốt mà tôi quên sử dụng thôi, trong lúc đó! Vậy chúng ta mới trì niệm, vun bồi cái điểm sáng suốt đó và chúng ta sử dụng mãi mãi; có nên không?
Cho nên chúng ta được có những người đi trước, và những người đã đụng phải và thức tâm nói lại cho chúng ta nghe. Cho nên huynh đệ tỷ muội hằng tuần gặp nhau, ôi, nói rằng: “Tôi bị học bài; tôi bị cái này khảo, cái kia khảo”, để chi? Ðể cung ứng một cái tài liệu rõ rệt chứng minh cho các bạn thấy rằng: chính mình phải tự thức tự sửa! Nếu mà chúng ta không biết sử dụng khả năng của chính mình, thì không còn cơ hội nào giải thoát được hết! Mỗi tuần gặp nhau mỗi sửa được chút. Nghe người này sai lầm, ta không bị sai lầm nữa! Nghe người kia thành đạt, chúng ta lại cố gắng sử dụng niềm tin sẵn có của chính mình, sử dụng khả năng của chính mình để đi tới! Cũng như ở thế gian có những mảnh đất cho chúng ta thấy: người này một ngày làm tám tiếng họ trồng ra những cây cỏ tốt đẹp, mà người kia có mảnh đất cứ để cho cỏ mọc lên tùm lum. Cũng có vậy, nhưng mà có sử dụng thì nó khác và không sử dụng nó khác! Thì cái phúc điền trong tâm các bạn, bạn cứ phải sử dụng, bạn phải trồng tỉa, bạn phải lo lắng này kia kia nọ, làm Pháp Luân Thường Chuyển, thì đâu đó nó có trật tự; sau này các bạn mới hưởng được cái phúc điền, trong đó các bạn làm nhiều mà hưởng ít, hỏi để làm sao các bạn thiếu? Các bạn phải hưởng đời đời không? Các bạn Pháp Luân Thường Chuyển làm rất nhiều, đem nguyên lực của cả Càn Khôn Vũ Trụ vô hỗ trợ cho ngũ tạng được thanh thoát, khai thông. Thì các bạn thấy rằng, tương lai ai là người hưởng? Ai là người vui nhất? Có phải phần hồn không? Phần hồn nắm được cái chủ quyền rõ ràng, đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu, trong thức bình đẳng trên dưới là một, thượng trung hạ là một, quy nguyên tròn vo, không có bị kẹt nữa! Chúng ta còn chần chờ gì nữa mà không thực hiện những cái chúng ta đã sẵn có? Chúng ta lại còn rước thêm những cái kêu bằng vô ích và không cần thiết và chưa có trình độ để đạt tới, chúng ta cũng rước, rước để làm gì? Gây thêm sự trì trệ tiến hóa của tâm linh chứ ích gì đâu!
Cho nên mỗi đêm các bạn Soi Hồn, Pháp Luân, Thiền Ðịnh, lập lại trật tự thống nhất trong nội bộ của các bạn trước đã; rồi mới quy nguyên trên đỉnh đầu, hòa hợp với cả Càn Khôn Vũ Trụ, thì luận thuyết TỪ BI sẽ xuất hiện, có một triết lý sống trong lẽ sống rõ ràng! Mọi người chúng ta không có sự sống trong lẽ sống, không bị uy hiếp, không bị lệ thuộc, lúc nào cũng nhàn hạ, thanh thoát. Tại sao không làm điều đó? (40:26)
Cho nên chúng ta đã vui, vui trong niềm tin sẵn có của chính chúng ta, chúng ta đã tự động đến đây, Thiền đường chung sống với nhau, sinh hoạt với nhau, và chúng ta bỏ sự mê chấp, dẹp sự tranh chấp trong nội thức. Cho nên chúng ta càng ngày càng thanh nhẹ: một năm học bằng mấy chục năm đi nói dóc, một năm câm mồm lo tu học còn hơn ba chục năm đi nói dóc mà không đến đâu! Cho nên các bạn đã làm điều này, và chúng ta, tay nắm tay tiến tới, thực hiện cho kỳ được đại nguyện của chúng ta là Tình Thương và Đạo Đức! Phải thương ta trước: vạn linh chung sống trong Tiểu Thiên Ðịa này, chúng ta phải quý yêu nó và xây dựng cho nó! Có nó, chúng ta mới xây dựng được cái Thức trở về với Chơn Giác, trở về với Nguồn Cội. Vạn linh đang đóng góp cho chúng ta, cho nên chúng ta phải trở về với căn bản đó mà để học hỏi và tiến hóa mãi mãi!
Thì hôm nay, tôi có được sự khỏe mạnh và tôi cảm thấy có hạnh phúc về với tôi cũng do các bạn thực hành và chính tôi thực hành! Nhưng mà hạnh phúc của tôi và sức khỏe của tôi, là hạnh phúc của các bạn và sức khỏe của các bạn! Cho nên ngày hôm nay chúng ta vui trong tình thương huynh đệ bình đẳng ôm nhau trong tâm thức, không bao giờ bỏ nhau, thực hiện cho kỳ được những khả năng sẵn có của chính chúng ta, đào xới ra để tìm một hạt kim cương bất hoại để tiến thẳng về ÐẤNG CHA TRỜI thương yêu, bất vụ lợi! (42:06)
Thành thật cám ơn sự hiện diện của các bạn ngày hôm nay./.