MẪU ÁI - Kỳ 178
Thế gian thảm cảnh triền miên
Khổ càng thêm khổ nối liền diễn ra
Có ăn tánh cũng ta bà
Không ăn tánh cũng khó mà được yên
Ở thế gian thì cái thảm cảnh triền miên, cái ông nhà giàu cho tới ông nhà nghèo đi nữa cũng cảm giác ông là khổ. Hồi trước ông bàn tay trắng đi kiếm cơm rất khó khan; bây giờ ông có gia cang rồi, thì trong cái gia cang của ông cái luật sanh tử bất minh, con lìa cha, vợ lìa chồng, ông thấy có cái thảm cảnh triền miên trong đầu óc của ông. Vì sao? Vì ông bất minh ông, ông bất minh cái nguyên lai, do đâu đến đây rồi sẽ về đâu, cho nên cái khổ cảnh nó triền miên trong đầu óc ông.
Khổ càng thêm khổ nối liền diễn ra: nó càng ngày nó càng diễn; nếu mà chúng ta cứ tưởng về cái việc đó rồi chúng ta sẽ đau khổ triền miên nữa. Là ai chôn sống chúng ta? Chúng ta đã chôn sống cái phần hồn sáng suốt, làm cho chúng ta càng ngày càng chậm tiến. Do ai? Do mình thâu thập; cái chuyện của mỗi người căn quả khác nhau: cọng cỏ nó có sự sống của cọng cỏ, mà cái cây nó có sự sống của cái cây, con chim có sự sống của con chim, mà vợ có sự sống của vợ, chồng có sự sống của chồng, con có sự sống của con. Nó sanh ra một mình, rồi là nó sẽ chết một mình nó, là mỗi cái căn quả đều nó tự giải quyết lấy nó.
Còn phần của ta đây, ta phải lo thừa hành cái phận sự đi trong cái từ bi bác ái để chuyển hóa vạn vật, qua cái miệng chúng ta đây, qua tư tưởng chúng ta đây. Nhưng mà cái tư tưởng chúng ta tốt, chúng ta thanh lọc, chúng ta mới hóa giải những cái gì mà tiếp xúc và xâm chiếm chúng ta; chúng ta ảnh hưởng nó, từ cái trược nó trở về cái thanh, từ cái u mê đi tới cái sáng suốt, từ cái độc ác đi tới cái từ bi. Đó, cho nên người thế gian nó đầy đủ, là người có ăn nhưng mà cái tánh cũng ta bà, ăn rồi có ăn là nó nghĩ mưu kế muốn ăn thêm nữa, muốn giựt của thiên hạ, muốn đè đầu thiên hạ, để cho mình giàu có hơn, làm bá chủ thế giới! Nhưng mà rốt cuộc nó cũng quên nó, cái mạng nó hữu hạn, nó quên.
Thì nó đổ thừa, “Tôi lo cho hậu đại!” Chứ thiệt là nó tham lam lắm, nó không biết xây dựng cái căn quả cho nó, làm sao nó ảnh hưởng người khác được? Cho nên, ông cha trong gia đình mà dâm loạn, hỏi bầy con nó ra thế nào? Ông cha mà biết tự sửa, ảnh hưởng tốt, thì tự nhiên các con nó sẽ được sự ảnh hưởng tốt của cha mẹ. À, ông cha nó tham lam, đã giàu còn cố vị tham lam nữa, thì các con nó theo cái đà, giựt của người ta nuôi con mình, thì con mình nó dễ tiến hóa nó, trở nên thành người hư! Còn cha nó là chơn chánh thì tự nhiên sẽ ảnh hưởng sự chơn chánh tốt đẹp cho nó.
Còn người đói ở thế gian, không ăn, tánh cũng khó mà được yên; cái người mà bị đói rồi, tham sanh quý tử, tham sống sợ chết; người nghèo rồi nó thấy nó cũng khó yên là tại sao? Nó chưa hiểu cái nguyên căn của Trời Đất! Nếu nó hiểu cái nguyên căn của Trời Đất đang nuôi nó, cái thanh khí điển hóa sanh vạn vật cho nó một cái quyền năng sáng suốt, chính nó phải đánh đổ cái lười biếng của nó, tự xây dựng lấy nó, khai thác trên mảnh đất thương yêu mà nó đang đứng đây, đang ở đây, đang trú đây, mà nó khai thác được, hỏi chớ, nó lấy gì đói? Nó là người siêng năng, siêng năng xây dựng cho nó và xây dựng cho đại chúng; hỏi, nó lấy gì đói? Không có đói.
Cho nên, chúng ta tu ở đây là một cái gương mẫu trở về sửa sự thanh tịnh cho Chủ Nhơn Ông, và Chủ Nhơn Ông hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với bản thể này. Trời Đất đã ban bố cái điềm lành và đưa tất cả những thanh khí điển xây dựng cho cái bản thể được an khương vui vẻ, thì chúng ta phải tiến về cái tinh thần đoàn kết, xây dựng tình thương ở bên trên. Chúng ta không nên lấy cái sự sáng suốt của chúng ta mà đi đè bẹp người khác, hãm hại người khác! Cái đó là chúng ta tự chôn sống phần hồn của chúng ta.
Cho nên, các bạn tu ở đây trong cái giờ thiền, một tiếng đạt được, hai tiếng đạt được, ba tiếng đạt được; các bạn đạt được tới sáng rồi các bạn mới thấy rằng nhơn sanh đang mê muội, chính bạn đang mê muội, và tất cả mọi người đang theo cái chiều hướng mê muội, đấu tranh, động loạn; rốt cuộc rồi cũng chẳng ai được cái gì, mà đụng đầu vô cục đá cho nó bể đầu chảy máu chi vậy? Loài người vì thiếu sự minh cảm nguyên căn của mọi sự việc, cho đó là thảm, cho đó là sầu, diễn tả một khía cạnh của những sự thương tiếc ngậm ngùi trong tăm tối bất minh, biết được bề mặt, không hiểu được bề trái, lắm lúc tự cho là khổ. Nhưng tự hỏi, hỏi thét một hồi cũng chẳng biết do đâu đã đến với ta, nhưng rốt cuộc rồi mọi việc cũng sẽ xong.
Hỏi, “Tại sao tôi khổ như thế này mà ông nói mọi việc cũng sẽ xong?” Bởi vì cái bản thân chúng ta than trời trách đất, nhưng mà rốt cuộc rồi lần lần tế bào chúng ta nó cũng phải tiêu diệt, nó phải đi theo cái định luật sanh, lão, bệnh, tử, rồi lúc đó chúng ta thấy cái tương đồng sanh tử của mọi người, chuyển theo cái luật định hóa hóa sanh sanh. Lúc đó là hết than ván rồi, tới cái giờ phút cuối cùng phải im lìm chấp nhận ra đi, chớ không có ai có quyền cải tạo và lưu luyến lại thế gian một phút, một giờ nào được.
Bầu trời thế giới chuyển vòng
Có sanh có tử có tầm có ly
Sao người chẳng tự xét suy
Thân ta trường cửu những gì thường lưu
Bầu trời thế giới chuyển vòng, cái luồng điển từ ở bên trên đi xuống, xuống thế gian rồi chuyển hóa lên bên trên, họ lấy cái gì chứng minh? Thanh khí điển hóa sanh vạn vật, các bạn ăn trái chuối rồi các bạn thấy nó hòa vô trong bao tử các bạn, ăn cơm cũng vậy, nó biến sanh thủy, thủy biến sanh khí, khí biến sanh sắc; thì đi một cái vòng từ sắc giới chuyển xuống vật giới, nó sẽ đi vòng như thế đó.
Có sanh có tử, luôn luôn cái định luật nó có tụ là phải có tan, có tầm thì có ly, có cái kết hợp thì phải có ly gián. Cha mẹ, vợ chồng, con cái cũng vậy, cũng một thứ hết chớ không có gì, không có ai mà nói đồng nhất là vĩnh cửu ở thế gian, chung đúc một căn nhà được! Một thời gian nào rồi nó phải ly tán.
Sao người chẳng tự xét suy, tại sao mình không hiểu căn nguyên là cái gì?
Thân ta trường cửu những gì thường lưu, biết cái thân ta có trường cửu không, hay những cái gì thường lưu? À. Cho nên, chúng ta tu ở đây, chúng ta khám phá lần lần, bản thân của mọi người đây rồi nó sẽ bị già, bị bịnh, bị chết; mọi người phải có. Mà cái gì thường lưu? Là cái phần thanh khí điển, là phần hồn của chúng ta thường lưu.
Nếu mà phần hồn không thường lưu, thì ở thế gian chết không có ai hiện hồn, không có ma quỷ, không có sự luân hồi sáng suốt. Người ta ngày càng tiến bộ: con nít thời đại và con nít thời trước hai đứa nó khác nhau hết thảy. Cái sự tiến bộ của phần hồn nó chuyển hóa xuống thế gian; cái phần thanh khí điển ở bên trên là thường lưu, nhưng mà cái vật thể thì nó phải tan. Chúng ta dòm, ngước mặt lên trời thấy cái thanh khí điển ai mà cướp giựt nó được? Không ai cướp giựt nó được hết! Nhưng mà đưa cái bánh, đưa cái chén, đưa cái sung, hay đưa căn nhà, các bạn đập nó cũng bể; nhưng mà cái kia các bạn đập không được, là cái phần thanh điển nó mới là thường lưu! Còn cái trí các bạn là cái linh điển, cái tâm linh các bạn mới là thường lưu, đó là linh hồn. Khi mà các bạn tập trung được rồi, có đầu, có tay, có chân rồi, các bạn thấy có bản thể như là bản thể ở thế gian, khôn ngoan, phát triển chớ không có ngu muội như là cái bản thể hiện hành được.
Xuất hồn được rồi, các bạn không có màng cái chuyện thế sự, nhưng mà các bạn nuôi dưỡng cái phần thanh điển thường lưu ở bên trên theo sự thức giác của mọi người, thì chẳng có một ai có thể bảo tồn thể xác của họ vĩnh cửu tại thế gian được, cũng như sự ham muốn sẵn có của họ cũng vẫn khó đạt thành. Ai cũng muốn đủ thứ hết: tu cũng muốn thành Phật, làm ăn cũng muốn làm ông nhà giàu; mà mấy ai đạt được cái gì? Lần lần cái gì nó cũng phải lần lần.
Cho nên các bạn tu ở đây, một ngày các bạn suy nghĩ về sự làm ăn, này kia kia nọ, rồi tối các bạn phải quy nguyên Soi Hồn để cho thần kinh nó ổn định, các bạn làm Pháp Luân để cho ngũ tạng được tiếp xúc với thanh khí điển của Trời Đất thật sự; rồi lúc đó ngày mai các bạn mới hòa cảm với xã hội trong cái tình thương xây dựng, đổi miếng ăn để sống, và sửa sai để tự tu đi tới giải thoát, tránh cái cảnh luân hồi đau khổ, sân hận, chém giết ở thế gian.
Tại sao chẳng bỏ giựt giành
Manh tâm động loạn khó hành khó tu
Tự gây tăm tối thêm mù
Hồn không thức giác vía tù khó đi
Tại sao chẳng bỏ giựt giành, chúng ta tại sao không bỏ? Bởi vì chúng ta còn mê loạn, chạy theo cái bản thể, tham sanh quý tử, tham sống sợ chết, ai đụng tới mình là la làng.
Manh tâm động loạn khó hành khó tu, muốn thủ thế, đánh đổ đối phương, tu cũng muốn hơn người ta, làm ăn rồi cũng muốn đứng đầu. Đó, lúc đó nó động loạn quá, khó tu.
Tự gây tăm tối thêm mù, gây sự tăm tối mình càng ngày càng mù, rồi nhờ ơn trên phù hộ, thờ cúng đủ thứ hết, có nhiều bạn ở đây trong nhà thờ đủ thứ thần linh hết, vậy mà cũng còn ngu, cũng còn ngu là cũng còn không hiểu mình từ đâu đến đây rồi sẽ về đâu.
Hồn không thức giác vía tù khó đi, người thế gian tu mà cái hồn không thức giác, không hiểu mình ở đâu đến đây rồi sẽ về đâu thì lúc đó tại sao cái vía là tù khó đi, vì cái hồn nó mê muội quá rồi nó muốn đủ thứ hết, hễ khi muốn một lần là cái vía phải làm việc một lần. Cái vía của mình nó cũng như một người tù. Nó cai quản trường sanh, một trường sanh hoạt như Chủ Nhơn Ông cứ sai nó hoài bắt buộc nó phải làm nhiều điều thì nó không khác gì người tù bị giam hãm, nó khó đi, nó khó tiến.
Cho nên, các bạn tu ở đây một thời gian làm Pháp Luân, ngồi mà các bạn hít một cái nó mê nó ngủ luôn! Đó là các bạn bỏ thế sự, không có nghĩ cái chuyện bao đồng nữa, không có chỉ huy cái chuyện bất chánh nữa, thì cái vía nó mới xúc tiến nó bay lên trên. Nhiều bạn ngồi, thấy bay bổng lên, cái mất hồn, nó đụng lên platfond, cũng mất hồn, mà thấy cái bản thể nó xuất phát ra to rườm rà vậy cũng sợ! Đừng có sợ; để cho nó đi, thả cho nó tiến hóa ở bên trên, rồi nó mới thâu được thanh khí điển! Khi mà nó tiếp xúc được cái thanh khí điển á, thì nó trở lại đơn giản hóa, rồi nó nhỏ thó nhẹ nhàng đi đứng dễ dàng. Nó là một Tiên đồng giáng thế, tất cả phần hồn ở đây là một vị Tiên đồng giáng thế! Bây giờ chúng ta trở lộn về Thánh thai ngay trung tim chơn mày xuất phát ra đi lên, cũng như là chúng ta trước khi nhập thế gian ở trong cái thai noãn người mẹ, cái luồng điển đó chúng ta đem ra để cho nó hòa cảm với cái thanh điển, thì lúc đó chúng ta mới tiến lên; có mặt, có mắt, có mũi, có tay, có chân, lúc đó chúng ta mới ở trên đó thụ giáo học pháp, mới biết được pháp nào chánh, pháp nào tà.
Còn ở thế gian cứ ôm sách, ôm vở, lý luận hoài. Rốt cuộc bạn có tin nổi cái người viết sách nói có đúng không? À; hay là bạn suy luận đúng? Tất cả hai cái cũng không đúng! Nhưng bây giờ bạn hành, buông bỏ tất cả, để tự nhiên hòa cảm tự nhiên, thì các bạn thấy các bạn có thể rời bản thể các bạn, các bạn hòa đồng với bên trên, và hòa đồng với tất cả những người ở thế gian, thì cái chuyện thông minh nó mở, “Nhứt lý thông, vạn lý minh;” chớ lúc đó các bạn thấy con người thông suốt hồi nào mà các bạn không hay. Người tu phải tự lưu ý phần hồn: chính phần thanh điển ấy mới được trường tồn, còn tất cả có thể rờ mó bằng tay chân được thì phải tan rã, phải rã tan hết, nó thuộc về âm giả, vật thể, nó phải tan ra, không có thể nào mà trường tồn được.
Cho nên, chúng ta phải nghiên cứu rõ ràng phần nào là phần không có thể đem đi được, chúng ta không có nên mến tiếc vì nó, đấu tranh vì nó! Chúng ta nên xây dựng đem nó đi lên càng ngày càng sáng suốt, càng ngày càng hòa cảm, càng ngày càng đơn giản, càng ngày càng nhẹ nhàng; đó là cái hạnh phúc trường cửu của mọi người: thoát khỏi bộ đầu, thoát khỏi cái cơ thể này các bạn mới đi trong cái đường lối ly gia cắt ái, các bạn không bao giờ bị động loạn trở lộn lại nữa, hòa cảm với vũ trụ, hòa cảm với thinh không, thì mình mới thấy mình sống vĩnh cửu không có ai phá mình, không có ai động mình. Tại sao? Tại mình đi về cái phần nhẹ, mình đâu có phá ai; đụng tới ai mình cũng đưa về cái ánh sáng xây dựng.
Khi mà bạn có đèn pin, bạn rọi tới đâu thì hữu ích cho thiên hạ, không có bóng tối. Trong lúc người ta đang tối tăm, mình có cái đèn pin thì hữu ích biết mấy, người nào cũng được hưởng cái ánh sáng do mình dắt dẫn. Mà chính mình đang điều khiển cái Tiểu Thiên Địa này, nó không khác gì cái rừng rậm đen tối, mà chúng ta mở được cái ánh sáng cũng như chúng ta tạo được cái đèn pin rồi thì tất cả đều được sáng suốt, được chung hưởng, được tiến lên tới thanh tịnh, rồi mới biết được cái từ bi bác ái của đức Phật đã dày công tự sửa lấy Ngài cho nên mới cảm động lòng người ở thế gian kế tiếp ở đây.
Ai nói sự công phu, biết được lịch sử của đức Phật và biết được lịch sử công phu dày công của những vị sư đang tu chơn chánh đó, chúng ta thấy chúng ta cũng cảm động: Người cố gắng tự xây dựng lấy Người, hòa cảm bên trên, mà Người thấy không làm việc gì, nhưng Người đã và đang làm việc, làm về phần chơn chánh, về phần điển để giải hóa các tầng để cho họ ngộ duyên và thăng tiến đi lên trên, thay vì luân hồi xuống thế gian để đấu tranh trong cái chuyện vô lý, giành giựt nhưng mà không có được sống trong cái cảnh trường cửu.
Có nhiều người khổ mấy chục năm trời rồi, nhưng mà tới cái giờ phút thức giác, dòm lại, chính chúng ta đã tạo ra một cái cơ đồ đồ sộ như thế này nhưng mà hỏi chớ chúng ta đã hưởng được cái gì? Đau khổ triền mien: sanh con đẻ cháu, giành giựt từ một tấc đất, miếng khoai, cũng giành giựt; ông bà cũng bất ổn, tâm hồn mình cũng không yên.
Hỏi chớ, cái tinh thần xây dựng của Trời Đất đã ban bố cho chúng ta mà chúng ta đi hoang phí, hỏi, chúng ta là người Thánh nhân hay là tội nhân? Các bạn cũng nhìn nhận rằng “Ta là tội nhân!” Ta không biết sửa ta để tiến lên hòa đồng với tất cả; chúng ta còn bày biểu người này đi giết người kia, tranh giành người nọ, giành giựt; rốt cuộc mình không đạt được mà cũng bày cái chuyện hư cho thiên hạ, rồi nói ta đây là phân minh, ta đây là thông minh, ta đây là sáng suốt, nhưng mà chẳng biết mình ở đâu đến đây và sẽ về đâu! Cái cảnh tang thương nó liên tục, cho nên ăn năn tới hai năm cuối cùng sắp chết. Thì chúng ta có thể hỏi những người hung hăng nhất ở trên mảnh đất này, rốt cuộc họ nói cái gì? Họ khuyên hậu đại không nên, phải bỏ hết đi, phải xây dựng trong tình thương, phải biết cha mẹ là biết Trời Đất, phải biết ông bà là biết thiêng liêng. Khi mà nó cảm giác được thiêng liêng, ông bà, cha mẹ nó, thì nó hiểu tới phần hồn nó: nó cũng ở từ đó mà ra cho nên nó mới dễ tiến được. Từ xưa tới giờ người ta để thờ ông bà, mến tiếc ông bà, mến tiếc những vị trọn lành là những vị đã tự giải thoát được, từ bản thể con người mà đi giải thoát khỏi cái vật thể, xa khỏi cái vật thể, để tiến lên cái thinh không điển quang ở bên trên. Cho nên, cái cao quý đó ngày nay mỗi người mỗi thức giác và đồng tiến, đồng giải.
Cho nên, chúng ta ở đây cũng vậy, các bạn tự tu lấy các bạn, tự sửa lấy các bạn, tự làm chủ lấy các bạn, tự làm thầy lấy các bạn, chớ các bạn không có ỷ lại nơi ai. Chúng ta đồng đem ra một cái nguyên lý để nghiên cứu và trau dồi sửa đổi, để tự tu tự tiến cho nên các bạn không có bị sự mờ ám phỉnh phờ: chính các bạn về nhà có thể tự tu tự tiến và tự giải cái trược khí, uất khí của nội tâm! Chỉ có bây nhiêu đó; cương quyết tới là các bạn sẽ đắc.
Chớ tôi thấy từ hồi nào giờ tôi cũng tu có bây nhiêu đó, rồi càng ngày tôi càng mở, thì tôi giữ được bây nhiêu tôi nói hết bây nhiêu cho các bạn; khả năng của tôi tới đâu tôi nói tới đó. Cho nên, các bạn được có cơ hội, có tôi một ngày ở đây, tôi tiếp được cái thanh điển ở bên trên thì tôi sẽ chuyển hóa dùm cho các bạn, các bạn hướng đó, nắm đó để nghiên cứu, rồi sau này các bạn đồng tiến như tôi. Tôi chắc chắn rằng các bạn không có bao giờ thua hơn tôi, nhưng mà người sau, nếu mà người ta thức giác được thì tự nhiên người ta sẽ giỏi hơn cái người truyền pháp. Hồi trước người ta đã nghĩ ra chiếc máy bay thôi, nhưng mà bây giờ họ đã chế được chiếc máy bay rồi; hồi trước người ta nghĩ được cái pháo thăng thiên, nhưng mà bây giờ người ta được cái hỏa tiễn rồi; thì cái hậu đại lúc nào nó cũng giỏi hơn. Cái tu này cũng vậy, các bạn chịu nghiên cứu, lấy phần thanh điển của các bạn nghiên cứu, rồi thì các bạn đâu có thua những người đi trước.
Cho nên, chúng ta đã đơn giản hóa rồi, chúng ta không lên núi tu, chúng ta ở ngay trong nhà tu: trong nhà của chúng ta cũng như trong rừng rú, bao nhiêu sự động loạn hàng ngày nó đâm trong con tim của các bạn, nhưng mà các bạn vẫn thiền được, vẫn tự giải, vẫn tự tu, không khác gì đức Phật ở ngoài rừng; ở ngoài rừng hoang, biết bao nhiêu sự uy hiếp Ngài, tà tâm cũng có thể được, ma quỷ, tà tâm, thú dữ đủ thứ, nhưng mà Ngài vẫn kiên tâm giữ có một cái ánh sáng mà thôi, tiến thẳng tới Thiên Đàng. Bây giờ các bạn nhắm mắt mà thấy ánh sáng thì các bạn nắm đó mà đi: đó là cái chìa khóa duy nhất của chúng ta từ thế gian cho tới Thiên Đàng.
Cảm ơn các bạn. (18:30)
(Trích từ băng giảng của Đức Thầy -- Sài gòn ngày 15/06/1974)